Nậm Pồ (Điện Biên): Hiệu quả từ giao đất giao rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng

Môi trường - Ngày đăng : 10:05, 20/11/2020

(TN&MT) - Nhờ đẩy mạnh giao đất, giao rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên từng bước đi vào nề nếp, cuộc sống người dân thêm ấm no nhờ rừng.

Người dân xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ tham gia phát dọn thực bì phòng chống cháy rừng.

Những năm qua, nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, bản, các tổ chức kinh tế nhận rừng để sản xuất, tạo cơ hội và động lực cải thiện đời sống cho người dân, thời gian qua, huyện Nậm Pồ đã tập trung đẩy mạnh kế hoạch giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

Trao đổi với ông Hà Công Nghiệp, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Nậm Pồ, chúng tôi được biết: Thực hiện Kế hoạch số 388/KH-UBND, ngày 20/2/2013 của UBND tỉnh về Rà soát, hoàn chỉnh thủ tục để giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2013-2015 trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đến nay trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã giao 52.043,66 ha đất có rừng cho 136 chủ rừng (103 Cộng đồng dân cư, 33 Hộ gia đình và 01 tổ chức); cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 125 chủ rừng (99 Cộng đồng dân cư, 26 Hộ gia đình) với 51.354,07ha, làm cơ sở cho nhân dân được hưởng chính sách chi trả DVMTR hàng năm. Đồng thời, gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững và lâu dài.

Tiếp đó, huyện Nậm Pồ triển khai thực hiện Kế hoạch 2783/KH-UBND, ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh Điện Biên, về Rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019-2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tại huyện Nậm Pồ, diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện cần rà soát hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019-2023 là 68.527,26 ha. Trong đó: Diện tích đất lâm nghiệp có rừng cần rà soát 6.919,21 ha và Diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng cần rà soát 61.608,05 ha (ước thực hiện trong giai đoạn được 65% diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng theo quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn huyện).

Để đẩy mạnh rà soát việc giao đất giao rừng, năm 2019, UBND huyện Nậm Pồ đã Thành lập Ban chỉ đạo giao đất, giao rừng cấp xã, và Kế hoạch triển khai thực hiện, 15/15 xã đã Thanh lập Hội đồng giao đất giao rừng cấp xã. Đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Nậm Pồ đang trình Sở Tài Tài chính xem xét, trình UBND tỉnh cho ý kiến Phương án Thiết kế kỹ thuật – Dự toán giao đất, giao rừng giai đoạn 2019 - 2023 để huyện có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Nhờ rừng được quy chủ, người dân được hưởng chính sách chi trả DVMTR nên tích cực tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng.

Theo ông Trần Đức Quyền, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện nay, toàn huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) có trên 62.000ha đất lâm nghiệp có rừng, độ che phủ rừng toàn huyện năm 2019 đạt 41,7%. Ðể công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt hiệu quả, UBND huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp với UBND các xã trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn mới về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ðồng thời, thực hiện khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên, trồng cây phân tán; rà soát, cắm biển báo khu vực chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện... Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng từng bước đi vào nề nếp; tỷ lệ che phủ rừng năm sau cao hơn năm trước.

Từ việc giao đất giao rừng làm cơ sở cho thực hiện chi trả DVMTR đã giúp người dân tăng thu nhập từ rừng. Công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực, người dân không những tự ý thức được trách nhiệm gìn giữ nguồn tài nguyên rừng mà còn tích cực tham gia nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ thêm diện tích rừng, trồng rừng; đồng thời, trồng các loại cây lâm sản ngoài gỗ để tăng thu nhập từ nghề rừng… Nhờ duy trì hiệu quả của 120 tổ đội bảo vệ rừng, số vụ vi phạm 9 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn huyện Nậm Pồ giảm 21 vụ so với cùng kỳ năm 2019.

Từ việc chi trả DVMTR đã góp phần giúp người dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ cải thiện cuộc sống và yên tâm giữ rừng.

Ông Sùng A Sình, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện trên địa bàn xã quản lý trên 2.300ha. Được hưởng lợi từ rừng, nhận tiền chi trả DVMTR, người dân trên địa bàn xã đã ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, giữ rừng. Các cộng đồng thôn bản nhận khoán bảo vệ rừng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng; hạn chế được tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép tại các khu vực rừng được chi trả DVMTR.

Hà Thuận