Bà Rịa – Vũng Tàu: Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Môi trường - Ngày đăng : 06:15, 20/11/2020

(TN&MT) – Nhằm tiến tới sử dụng những công nghệ thân thiện với môi trường, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có chủ trương thực hiện giải pháp chuyển đổi mô hình xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt từ chôn lấp sang phương pháp đốt, tái chế. Tuy nhiên, đến nay việc chuyển đổi mô hình xử lý CTR chưa thực hiện được do đang còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Phương pháp chôn lấp CTR sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên lý đang chiếm khá nhiều diện tích đất và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về môi trường rất cao.

Nhiều dự án xử lý CTR sinh hoạt chậm tiến độ

Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 27/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tỉnh đến năm 2020 xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong lộ trình chuyển đổi mô hình xử lý CTR sinh hoạt.

Theo đó, trong năm 2018, hoàn thành việc đầu tư nhà máy xử lý CTR sinh hoạt thành phân bón compost của Công ty CP môi trường xanh Bảo Ngọc; năm 2018-2019 đầu tư nhà máy xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt thu hồi năng lượng tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ…

Mục tiêu đến năm 2021, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ chấm dứt việc chôn lấp CTR sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh sang xử lý bằng các công nghệ tái chế thành phân compost, công nghệ đốt kết hợp xử lý khí thải, phát điện, bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường…

Bên cạnh đó, tại Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 23/3/ 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ưu tiên thực hiện năm 2018 – 2019 là chuyển đổi hình thức xử lý CTR sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh sang hình thức xử lý bằng công nghệ đốt, tái chế, phát điện.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, toàn bộ CTR sinh hoạt ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Phương pháp này chiếm khá nhiều diện tích đất và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về môi trường rất cao. Do đó, để bảo vệ  môi trường, đồng thời, đáp ứng yêu cầu xử lý CTR sinh hoạt đang ngày càng gia tăng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chấp thuận đầu tư nhiều dự án xử lý CTR sinh hoạt thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án đang bị chậm tiến độ.

Cụ thể, tính tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 03 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có 01 dự án đang hoạt động là dự án của Công ty TNHH KBEC Vina tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, với diện tích 38 ha, công suất chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh khoảng 950 tấn/ngày (dự án không áp dụng công nghệ đốt), dự án đã đưa vào hoạt động từ năm 2012, hiện đang thực hiện chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt cho 07 huyện, thị xã, thành phố trên đất liền của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với khối lượng khoảng 900 tấn/ngày.

Còn lại 02 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng vẫn đang trong quá trình xây dựng như: dự án của Công ty TNHH Green HC được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, có diện tích sử dụng đất khoảng 20 ha, mục tiêu của dự án trong giai đoạn 1 sẽ dưa vào sử dụng khu chôn lấp chất thải sinh hoạt khoảng 149 tấn/ngày và sẽ vận hành vào quý III/2019, ở giai đoạn 2 sẽ cho vận hành nhà máy đốt chất thải sinh hoạt với công suất 150 tấn/ngày và sẽ đi vào hoạt động vào quý III/2020. Tuy nhiên, đến nay khu chôn lấp của giai đoạn 1 công ty Công ty TNHH Green HC vẫn chưa được đưa vào vận hành theo quy định, đồng thời việc đầu tư nhà máy đốt cho giai đoạn 2 của công ty cũng chưa hoàn thành.

Bên cạnh đó, dự án của Công ty cổ phần môi trường xanh Bảo Ngọc được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên với diện tích khoảng 8ha, công suất xử lý 500 tấn/ngày (trong đó có dây chuyền tiếp nhận, phân loại, tái chế chất thải rắn sinh hoạt – phân compost). Theo Quyết định chủ trương đầu tư số 2500/QĐ-UBND ngày 20/9/2019, quy định trong Quý I năm 2020 đưa giai đoạn 1 của dự án vào hoạt động.Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư mới xây dựng hàng rào xung quanh; san lấp một phần diện tích; rắp ráp 01 nhà kho bằng thép tiền chế...

Quy định trách nhiệm cụ thể với các chủ đầu tư

Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Thời gian qua, Sở TN&MT đã phối hợp Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan khảo sát, học tập kinh nghiệm xử lý CTR sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố để đề xuất lộ trình chuyển đổi mô hình xử lý CTR sinh hoạt sang đốt, tái chế, thu hồi năng lượng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện chuyển đổi hình thức xử lý CTR còn chậm theo chủ trương của tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do giai đoạn 2018-2019, Sở Xây dựng chủ trì thực hiện, đến ngày 20/5/2020, UBND tỉnh có văn bản số 4916/UBND-VP giao Sở TN&MT làm đầu mối quản lý CTR trên địa bàn tỉnh, vì vậy, Sở TN&MT rất bị động và gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi xử lý CTR sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp sang sử dụng công nghệ đốt, tái chế, phát điện theo lộ trình.

Bên cạnh đó, để bảo đảm cho dự án được triển khai thành công là nhà đầu tư phải có năng lực tài chính, có nhiều kinh nghiệm, làm chủ công nghệ xử lý chất thải; tuy nhiên thời gian qua các tổ chức đăng ký đầu tư nhà máy đốt, tái chế, phát điện vào tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hầu hết chưa chứng minh được năng lực. Ngoài ra, việc lựa chọn đầu tư nhà máy đốt, phát điện với thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại đòi hỏi chi phí rất lớn, do đó, việc kêu gọi, thu hút, lựa chọn được tổ chức có đủ năng lực tài chính tương đối khó khăn, cần phải có thời gian...

Mới đây, tại buổi khảo sát về việc thực hiện chuyển đổi từ chôn lấp CTR sinh hoạt sang công nghệ đốt, tái chế, ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, các sở, ngành chức năng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mô hình.

Theo đó, trước mắt cần tập trung hỗ trợ Công ty CP môi trường xanh Bảo Ngọc và Công ty TNHH Green HC hoàn thành các thủ tục pháp lý để khẩn trương đầu tư hoàn thiện nhà máy đốt CTR sinh hoạt với dây chuyền máy móc, thiết bị tiên tiến, được cơ giới hóa, tự động hóa để chất thải được xử lý triệt để. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh việc phải quy định trách nhiệm cụ thể với các chủ đầu tư. Theo đó, các chủ đầu tư phải đưa ra cam kết về lộ trình thực hiện dự án, nếu không thực hiện đúng như cam kết thì sẽ thu hồi dự án.

Linh Nga