Nâng cao kỹ năng tuyên truyền về tình hình biên giới Việt - Lào

Xã hội - Ngày đăng : 20:21, 19/11/2020

(TN&MT) - Chiều 19/11, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức “Hội nghị tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền phổ biến pháp luật và kỹ năng viết bài cho phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên và các bộ văn hóa thông tin các tỉnh có đường biên giới với Lào”.

Tại Hội nghị, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên đã được tiếp thu các chuyên đề liên quan đến tình hình tuyến biên giới Việt Nam – Lào và một số kỹ năng viết tin, bài tuyên truyền, phản ánh, xử lý đề tài.

Theo Thượng tá Phạm Ngọc Khoái, Trợ lý Phòng Tuyên huấn, Bộ đội Biên phòng, Báo cáo viên chuyên trách Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tuyến biên giới Việt Nam – Lào, có đường biên giới dài hơn 2.337 km, có 792 vị trí mốc quốc giới, tương ứng với 834 cột mốc. Khu vực biên giới gồm 156 xã, thị trấn của 36 huyện thuộc 10 tỉnh với dân số khoảng 155.000 hộ, 37 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 77,1%.

Những năm qua, khu vực biên giới tuyến Việt Nam – Lào được Đảng, Nhà nước và các địa phương quan tâm, đầu tư xây dựng và phát triển về nhiều mặt, đời sống kinh tế- xã hội ngày càng được nâng lên; hệ thống chính trị cơ sở từng bước được củng cố,  nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo.

Quang cảnh Hội nghị.

Tuy nhiên, do điều kiện địa lý và lịch sử nên khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; địa bàn rộng, dân cứ phân bố không đồng đều, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức về pháp luật còn của nhân dân ở khu vực biên giới còn hạn chế…  Trong khi đó, đây là địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp về an ninh trật tự, kẻ dịch thường xuyên tập trung lôi kéo, kích động các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo; hoạt động của tội phạm ma túy, buôn bán người, xuất nhập cảnh trái phéo vẫn còn xảy ra.

Thượng tá Phạm Ngọc Khoái cho rằng, báo chí là cầu nối trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, đặc biệt khu vực biên giới. Các phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên và cán bộ văn hóa thông tin cần tập trung vào những vấn đề như: Thành quả công tác xây dựng hệ thống đường biên, mốc quốc giới giữa hai nước; tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử, lợi ích của việc hoàn thành dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới; quảng bá hình ảnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam và quan hệ truyền thống và hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực; xây dựng biên giới hoàn bình, hữu nghị, và phát triển giữa hai nước...

Hội nghị tập huấn lần này là dịp để cán bộ, công chức, phóng viên, biên tập viên, cán bộ các Phòng Văn hóa Thông tin về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác đối ngoại và kỹ năng tuyên truyền phổ biến pháp luật tại địa phương. Qua đây, các đại biểu tham dự sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích, tiếp tục tăng cường công tác thông tin đối ngoại với nước bạn Lào đến công chúng, đúng theo quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Lan Anh