Không chỉ là chuyện rác!

Môi trường - Ngày đăng : 18:22, 19/11/2020

(TN&MT) - Một thành phố phát triển hướng đến văn minh như Hà Nội, nói một cách sòng phẳng chưa giải quyết tốt vấn đề rác và vệ sinh đô thị.

 “Hà Nội không vội được đâu”. Nhưng với tổng cộng 15 lần người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn trong suốt thời gian dài, thành phố không thể “đủng đỉnh” được nữa. Khủng hoảng rác xảy ra suốt thời gian qua không chỉ đơn thuần là chuyện của những cọng rác và bãi chôn lấp rác mà nó bộc lộ nhiều vấn đề ngay trong khâu quản lý.

Cần tập trung thúc đẩy phân loại rác tại nguồn

Nguyên nhân chính xuất phát từ việc rác đã không được phân loại tại nguồn. Hoặc nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm, nặng về hình thức chứ chưa áp dụng triệt để. Vòng luẩn quẩn đổ lỗi cho nhau khi người dân chưa quan tâm đến  phân loại rác, còn cơ quan chức năng vẫn mãi loay hoay với biện pháp chôn lấp vì chưa thể tìm ra một giải pháp khả thi.

Quy hoạch bãi rác cũng là một phần của hạ tầng kỹ thuật đô thị, không thể lược bỏ. Nếu không sớm cải thiện, rác sẽ “vượt” nhiều vấn đề nóng khác như giao thông, trở thành vấn đề số một của đô thị.

Hôm nay, Hà Nội đã lắng nghe nguyện vọng của người dân và đang “xắn tay” khắc phục khủng hoảng rác bằng việc UBND thành phố phát đi Thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng tại Cuộc họp triển khai các nhiệm vụ để xử lý, khắc phục các tồn tại hạn chế, đảm bảo công tác vận hành cho Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Ở đó, ông Hùng yêu cầu Sở Xây dựng tiến hành xây dựng phương án thu gom, xử lý nước ép rác từ các xe vận chuyển trước khi vào bãi, đảm bảo hạn chế tối đa nước rỉ rác thoát ra trước khi đổ vào ô chôn lấp. Đồng thời, chủ trì cùng liên ngành lên phương án xử lý, bơm nước rỉ rác tại ô 1.4 để bàn giao mặt bằng cho Công ty CP Môi trường năng lượng Thiên Ý, đảm bảo cho Công ty đưa nhà máy điện rác vào vận hành theo đúng kế hoạch. Xây dựng phương án đưa ½ ô chôn lấp 1.1 vào khai thác, sử dụng nhung vẫn đảm bảo điều kiện cho Ban Quản lý dự án tiếp tục hoàn thành xây dựng theo đúng thiết kế được phê duyệt.

Sở Giao thông vận tải tiếp tục tổ chức duy tu khẩn cấp đoạn còn lại của tuyến đường 35 đi Bắc Sơn vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn, không chờ dự án của Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn duy tu, duy trì, đảm bảo giao thông cho người dân đi lại thuận lợi, an toàn. Sở chỉ đạo Thanh tra giao thông vận tải chuyển 2 cân tải trọng, cử 1 tổ công tác phối hợp với Sở Xây dựng để hỗ trợ cân xe vận chuyển rác vào cổng số 2, trong thời gian chờ sửa chữa trạm cân số 2, giảm tải cho khu vực bãi, tránh ùn tắc giao thông.

Còn với Sở Y tế, ông Hùng cũng yêu cầu bố trí một Tổ công tác phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra tình trạng vệ sinh môi trường Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn; tếp tục bám sát, hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu để triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ dân đủ điều kiện.

Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn, tổ chức chi trả tiền ngay cho 1 hộ dân còn lại tại vị trí ½ ô 1.1 đã bàn giao mặt bằng theo phương án phê duyệt điều chỉnh. Phê duyệt toàn bộ phương án còn lại và hoàn thành công tác GPMB ô 1.1 trước 30/11. Tuyên truyền, vận động 3 hộ còn lại trên mặt bằng ô 1.2 nhận tiền và bàn giao mặt bằng trước 20/11.

Cùng với đó, chỉ đạo UBND các xã lập danh sách các hộ dân đủ điều kiện để chuẩn bị phối hợp cùng Sở Y tế tiến hành cấp thẻ bảo hiểm y tế, đảm bảo đúng đối tượng, trách thắc mắc khiếu kiện. Đối với những người ngoại tỉnh yêu cầu trở về địa phương làm ăn, những người thuộc địa bàn các xã của huyện, yêu cầu các xã tiếp nhận và quản lý theo đúng quy định…

Một đô thị hướng đến văn minh, cần phải có cách xử lý chất thải văn minh

Rõ ràng với động thái này, dù có “chậm trễ” nhưng đáng hoan nghênh và không phủ nhận những nỗ lực khắc phục của các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội. Song về lâu dài để tránh một “vết xe đổ” liên quan đến quản lý, xử lý rác thải đo thị, còn đó rất nhiều việc phải làm cả trước mắt và tầm nhìn dài hạn.

Bởi, nếu như coi câu chuyện rác thải vừa chỉ là khủng hoảng bãi rác; là việc của những người dân sống quanh bãi rác phản ứng với giá đền bù, câu chuyện sẽ mãi không thể chấm dứt. Điều này cũng dễ hiểu, cho dù những người dân hôm nay được đền bù thỏa đáng và chuyển đi, với gần chục ngàn tấn rác mỗi ngày, khoảng 90% trong số đó được xử lý bằng cách chôn lấp, sớm muộn bãi rác này cũng quá tải và phình to khiến số người bị ảnh hưởng tiếp tục mở rộng.

Còn nếu coi câu chuyện Nam Sơn là khủng hoảng quản trị đô thị, góc nhìn sẽ thay đổi. Những khu xử lý, tái chế rác hiện đại sẽ được ưu tiên đầu tư, thậm chí, được áp dụng những cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ. Khi đó thành phố sẽ phải hoãn nâng cấp, xây thêm bảo tàng, hoãn thay đá vỉa hè... để đầu tư nhà máy rác. Một đô thị được quản trị tốt phải có khả năng hoạch định được kế hoạch chi tiêu để dòng tiền ngân sách được sử dụng theo cách có lợi nhất cho cư dân đô thị, tức là phải xác định được thứ tự ưu tiên cho các dự án đầu tư công.

Một đô thị hướng đến văn minh, cần phải có cách xử lý chất thải văn minh, ít ảnh hưởng đến môi trường. Những nhà máy xử lý rác hiện đại sẽ khiến diện tích chôn lấp ít đi, mức độ chịu ảnh hưởng, ô nhiễm của cư dân được thu hẹp, trong khi động lực để thúc đẩy phân loại rác tại nguồn tăng lên, lý do để thu phí rác thải theo khối lượng sẽ trở nên thuyết phục hơn.

Những phân tích trên cho thấy, bài toán xử lý rác thải là không dễ có đáp án cho TP. Hà Nội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ này phải có thay đổi căn bản những vấn đề dân sinh bức xúc của người dân như ùn tắc giao thông, rác thải đô thị. Hy vọng những chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Thành ủy Hà Nội sẽ tìm ra một lời giải đồng bộ, hiệu quả cho câu chuyện xử lý rác tại Thủ đô.

Phương Anh