Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Thay đổi tư duy để phát triển bền vững

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:33, 19/11/2020

(TN&MT) - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có nhiều điểm mới hướng đến mong muốn tạo nền tảng cần thiết cho đạo luật về môi trường toàn diện, thống nhất, hội nhập.

Với 443/466 đại biểu tán thành (chiếm 91,91%), chiều 17/11 Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). So với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) Quốc hội thông qua được đánh giá có nhiều điểm mới, đột phá.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 Chương, 171 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) - Ảnh: Quochoi.vn 

Mọi người dân được sống trong môi trường trong lành

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa được chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trường kinh tế; bảo vệ môi trường (BVMT) không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải; các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên. Đồng thời, Luật cũng đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới, hài hòa với quy định của quốc tế để góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Do vậy, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được thông qua chính là cụ thể hoá lời hứa, lời cam kết của Chính phủ trước những mong muốn của cử tri, đại biểu Quốc hội về công tác BVMT. “Trong đó, đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách BVMT khác.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đồng thời, Luật cũng thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng, góp phần đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới, chú trọng vào kinh tế tri thức, kinh tế số, giảm bớt các hoạt động của con người tác động đến tự nhiên, phát triển kinh tế - xã hội dựa vào các quy luật tự nhiên; cụ thể hoá các thể chế, chủ trương, định hướng lớn của Nhà nước và đáp ứng được những yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Xây dựng nhận thức mới, tư duy mới về BVMT

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) xác định những quan điểm hết sức quan trọng là: Chủ động trong vấn đề phòng ngừa và quản lý môi trường. Đồng thời tiếp cận cách thức quản lý khoa học dựa trên kinh nghiệm của thế giới, ví dụ như: Xây dựng các chiến lược phát triển, quy hoạch phát triển, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ, đánh giá tác động, cấp giấy phép, quản lý các hoạt động sản xuất một cách xuyên suốt thông qua các biện pháp kỹ thuật công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu để có thể huy động được tất cả mọi người cùng tham gia, người dân có thể giám sát, cung cấp thông tin, tư vấn, phản biện…

Cùng với đó, Luật cũng đã cắt giảm rất nhiều thủ tục hành chính. Luật tập trung quản lý những vấn đề cần quản, ví dụ như quản lý ở những lĩnh vực nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Đồng thời sẽ tạo điều kiện hết sức thông thoáng để cho các lĩnh vực, ngành ứng dụng các công nghệ thân thiện, hiện đại, tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên… Do đó, nếu chúng ta làm tốt, thì mỗi một dự án được xây dựng sẽ phải dựa trên sự cân bằng sinh thái, đảm bảo tính bền vững, việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, tái chế, tái sử dụng.

Ngoài ra, Luật cũng tiếp thu kinh nghiệm thành công của quốc tế về kiểm toán môi trường được áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và BVMT. Luật đã bổ sung nội dung về kiểm toán môi trường nhằm điều chỉnh hoạt động kiểm toán trong nội bộ tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do đơn vị tự thực hiện hoặc thông qua dịch vụ kiểm toán.

Mục đích của hoạt động này nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết lỗ hổng trong quản lý môi trường và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn. Mặt khác, Luật cũng đã bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và pháp luật có liên quan.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà

Thắp lên ngọn lửa mới để Luật đi vào cuộc sống

Với Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, những câu, chữ trong Luật đều có tâm huyết về vấn đề môi trường của Chính phủ, người dân, các tổ chức và đặc biệt là có sự đồng hành của các đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội thông qua tình hình diễn ra trong thực tiễn, thách thức từ hoạt động kinh doanh, sản xuất tại địa phương, đã đưa vấn đề môi trường đến nghị trường Quốc hội, đồng thời sẽ tiếp tục đồng hành, giám sát Luật khi đi vào thực tiễn; các đại biểu Quốc hội cũng sẽ thắp lên ngọn lửa mới, tinh thần mới, nhận thức mới, tư duy mới của Luật đến cho mọi người dân cùng tham gia.

“Nếu coi COVID-19 là kẻ thù là giặc thì ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, thách thức biến đổi khí hậu thực sự là thảm họa nên chúng ta phải có tinh thần chiến đấu, có chiến đấu thì sẽ chiến thắng”. Đây là lần đầu tiên ở Trung ương đã thống nhất là Chính phủ và một Bộ sẽ chịu trách nhiệm, phân cấp rõ ràng từ Trung ương đến địa phương, sắp tới chúng ta phải sẽ phải bàn về việc tổ chức thực hiện cho hiệu quả” Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.

Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các tổ chức, đơn vị, chuyên gia để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đến doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, cũng cần phải đánh giá khả năng thực thi việc tổ chức bộ máy thực hiện để Luật được đi vào cuộc sống.

Để thực hiện Luật, bên cạnh việc tổ chức, thể chế hóa ban hành văn bản thì vấn đề xây dựng các dự án khả thi và kiến nghị với Đảng, Nhà nước đưa vào trong chương trình ưu tiên để bố trí nguồn lực là rất quan trọng. “Muốn thay đổi phải đổi mới, và trong đổi mới có những vấn đề có tính cách mạng. Ở đây không phải mỗi cá nhân hay doanh nghiệp thấy được lợi ích ngay từ đầu mà lợi ích lâu dài với doanh nghiệp, lợi ích chung với xã hội và chúng ta không có con đường nào khác là con đường phải thay đổi, thay đổi để phát triển bền vững” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Nhà nước không đi làm thay doanh nghiệp

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã quy định rất rõ nhiệm vụ công khai ĐTM là của doanh nghiệp được cấp. Luật đã gắn trách nhiệm công khai ĐTM của các chủ thể (doanh nghiệp). Vì vậy, từ khi bắt đầu có dự án đầu tư, chuẩn bị tiền khả thi, đến khi bắt đầu có thiết kế kỹ thuật thì doanh nghiệp đồng thời phải làm ĐTM. Khi đã làm xong và thực hiện theo đúng hướng dẫn mới trình lên cơ quan có thẩm quyền (ở địa phương hoặc Bộ TN&MT), khi đó, doanh nghiệp phải công khai văn bản trình trên cổng thông tin của mình.

Khi thẩm định hồ sơ cấp phép của doanh nghiệp (bao gồm cả ĐTM tiền khả thi), Bộ TN&MT công khai các bước thẩm định, thành viên của Hội đồng, kết quả thẩm định của Hội đồng bao trùm toàn bộ ĐTM và nếu cần thiết sẽ công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường để tham vấn các chuyên gia, cơ quan nghiên cứu. Nhà nước không đi làm thay doanh nghiệp, ai làm người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Doanh nghiệp có muốn che giấu cũng không được, vì cơ quan Nhà nước sẽ công bố toàn bộ kết quả thẩm định từ Hội đồng, thậm chí công khai tác động đến đâu, giải pháp thế nào, còn nguy cơ gì?... Việc này sẽ công khai cho xã hội biết hết, không có gì úp mở cả.

Nếu lưu vực đã ô nhiễm, chỉ cấp phép xả khi nước đạt loại A. Trước đây có rất nhiều loại Giấy phép, như Giấy phép xả thải vào nguồn nước có Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy lợi cùng quy định. Hiện nay, 3 Luật quy định chỉ có 1 Giấy phép xả thải nguồn nước và việc này dựa vào đánh giá tác động môi trường.

Như vậy, sau khi Luật đi vào thực tiễn, chỉ một cơ quan chịu trách nhiệm từ khâu đánh giá tác động môi trường, đến cấp phép là một. Trong một Giấy phép sẽ thể hiện tất cả các nội dung, thống nhất về mặt thủ tục. Cơ quan nào thẩm định đánh giá tác động môi trường thì cơ quan đó cấp phép. Về các thủ tục, hồ sơ sẽ giảm khoảng 50% thời gian. Điều này mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng. Cái quan trọng cuối cùng chúng ta sẽ được, đó là chất lượng môi trường thì chắc chắn được kiểm soát.

Khương Trung - Tuyết chinh