Định hướng chính sách nông nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Xã hội - Ngày đăng : 15:09, 19/11/2020

(TN&MT) - Ngày 19/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách phối hợp với tổ chức Oxfam Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp Mùa Thu 2020 với chủ đề: “Định hướng chính sách nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19”. 

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tại Diễn đàn

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết: Năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam gặp nhiều thách thức do sự xuất hiện và diễn biến phức tạp của Đại dịch Covid-19. Đại dịch gây ra các khó khăn về kinh tế - xã hội và y tế nghiêm trọng trên phạm vi toàn thế giới, dẫn tới lượng cầu một số mặt hàng nông nghiệp giảm. Đứt gãy chuỗi cung ứng cũng gây khó khăn về nguồn cung một số vật tư nông nghiệp, đặc biệt là những ngành phải nhập khẩu đầu vào nhiều như thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, thành viên Liên minh Nông nghiệp cho rằng: Dịch Covid -19 khiến các sản phẩm nông sản trong nước và xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi giá trị. Nặng nề nhất là sản phẩm tươi trái cây, rau củ quả, tiếp đó là sản phẩm thủy sản. Trong bối cảnh đó, hộ nông dân là đối tượng chịu tổn thương lớn nhất.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, thành viên Liên minh Nông nghiệp chia sẻ tại diễn đàn

Không chỉ có nông hộ, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hợp tác xã, ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chịu ảnh hưởng lớn, dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng giảm do người dân thắt chặt chi tiêu; hàng hóa không thể xuất khẩu vì đóng cửa biên giới dẫn đến hàng hóa tồn đọng.

Giám đốc Công ty CP thực phẩm G.C Nguyễn Văn Thứ chia sẻ: “Từ đầu năm 2020 đến nay, xuất khẩu nha đam của doanh nghiệp giảm 50%, xuất bán nội địa thì ít chịu tác động hơn. Kéo theo đó doanh thu đạt được của doanh nghiệp cũng chỉ đạt khoảng 70% kế hoạch…”

Cũng theo TS Phạm Công Nghiệp - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, mới đây, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với 4 chuỗi giá trị tại Cao Bằng và Bắc Kạn gồm: Lợn đen, gừng, chuối và bò. Kết quả cho thấy, sản lượng tiêu thụ của 4 nhóm giảm lần lượt: 45%, 30%, 73% và 77%. Ngoài ra, chi phí sản xuất tăng 8,5%, 10%, 3% và 25%. Kéo theo đó, doanh thu của tác nhân thương mại của cả 4 nhóm cũng giảm từ 30 - 82%.

Toàn cảnh diễn đàn

Tuy vậy, dịch Covid-19 cũng tạo nhu cầu nông sản thế giới tăng lên. Doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội sau Covid-19 để xuất khẩu trực tiếp, đa dạng thị trường. Nhưng theo đó là những thách thức về tiêu chuẩn đa dạng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm yêu cầu cao, khả năng cung ứng khối lượng lớn với chất lượng ổn định.

Theo ông Đào Thế Anh, thời gian tới, cần tiếp cận theo hướng đảm bảo hệ thống thực phẩm bền vững. Hộ nông dân cần được chuyên nghiệp hóa. Liên kết hợp tác xã - doanh nghiệp là trung tâm của chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, để tăng cường tính bền vững của hệ thống thực phẩm Nhà nước cũng cần có chính sách đầu tư cho khoa khọc công nghệ như về nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn để nâng cao hiệu quả, hỗ trợ hộ nông dân nhỏ tham gia chuỗi giá trị và tăng cường tính chống chịu của chuỗi với các rủi ro.

Thu Minh