“Tấm khiên” bảo vệ môi trường

Xã hội - Ngày đăng : 11:20, 19/11/2020

(TN&MT) - Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với những quy định mới hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và được kỳ vọng là “tấm khiên” vững chắc bảo đảm mọi người dân được sống trong môi trường trong lành.

Thực tế, xã hội hiện đại phát triển nhanh chóng, ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên, sự cố môi trường… là những cụm từ được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn xây dựng chính sách. Hơn bao giờ hết, quyền được sống trong môi trường trong lành, sạch đẹp, thuần khiết của con người là một yêu cầu cấp thiết và luôn cần được quan tâm đúng mức trước khi quá muộn.

Ai cũng mong muốn được sống trong môi trường trong lành, sạch đẹp

Cũng bởi thế nên trên nghị trường Quốc hội vừa qua, bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề được nhân dân đặc biệt quan tâm, các đại biểu đặt nhiều câu hỏi chất vấn đối với các thành viên Chính phủ. Kỳ họp này, vấn đề môi trường trở nên “nóng hơn” khi người dân miền Trung vừa trải qua đợt thiên tai lịch sử, “bão chồng bão, lũ chồng lũ” với các vụ sạt lở đất chưa từng thấy. Vì vậy, nội dung thảo luận về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được rất đông cử tri, nhân dân cả nước dõi theo và mong muốn được Quốc hội thông qua.

Và với 91,91% số phiếu đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) - Một quyết sách lớn ra đời thể hiện nỗ lực rất lớn vai trò của Bộ TN&MT góp phần hiện thực hóa mục tiêu kiến tạo tương lai xanh. Cử tri và nhân dân cả nước kỳ vọng Luật sẽ là “tấm khiên” vững chắc khắc phục, xử lý những bất cập, tồn tại về bảo vệ môi trường phát huy hiệu quả trong thực tế.

Lấy con người là trung tâm, điểm nhấn của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) thể hiện tinh thần của Hiến pháp 2013 là quyền của mọi người dân được sống trong môi trường trong lành. Như lời Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà từng nhấn mạnh, bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành; dựa trên cơ sở phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường.

Bộ Luật lần này thể hiện rất nhiều mục tiêu quan trọng, góp phần đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, chú trọng vào kinh tế trí thức, kinh tế số, phát triển thuận thiên, tức là dựa vào các quy luật tự nhiên phát triển, kinh tế dựa trên các nền tảng sinh thái.

Cũng như Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rất nhiều lần chúng ta phải thực sự lấy môi trường để làm mục tiêu cho phát triển. Thực tế, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt vấn đề môi trường lên ngang bằng và thậm chí, cao hơn cả kinh tế, mặc dù, chúng ta luôn khát khao tăng trưởng nhưng không đánh đổi bằng môi trường.

Tại rất nhiều cuộc họp, sự kiện, Thủ tướng luôn thể hiện quan tâm đến “kiềng 3 chân” trong phát triển bền vững: Việt Nam kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, coi trọng kinh tế mà xem nhẹ môi trường là sai lầm. Bảo vệ môi trường không thể chỉ dùng khẩu hiệu suông, mà phải xuất phát từ những hành động cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân.

 Chính phủ luôn nhất quán với thông điệp không đánh đổi, không hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng, xác định công thức 3 trong 1 của sự phát triển là kinh tế - xã hội và môi trường. Rất nhiều địa phương thời gian qua, đã lồng ghép 3 trụ cột phát triển và thực tiễn cho thấy, 3 mục tiêu này không loại trừ nhau mà có sự bổ sung cho nhau, cùng hướng đến sự phát triển toàn diện cho đất nước.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là “đòn bẩy” thay đổi tư duy về môi trường để phát triển bền vững. Một tư duy xanh với những hành động xanh đang hình thành, tạo dòng chảy nhận thức mạnh mẽ trong đời sống phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Đối xử thân thiện với môi trường đồng nghĩa với việc đối xử tốt với cuộc sống của chính mình.

Phương Anh