Sa Pa- Lào Cai: Cần sớm di dời 3 trạm trộn bê tông ra khỏi Khu du lịch Quốc gia Sa Pa
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 10:43, 19/11/2020
Thời gian qua, Báo Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thường xuyên nhận được phản ảnh của người dân về 3 trạm trộn bê tông xây dựng đang ngày, đêm “bức tử” Khu du lịch Quốc gia Sa Pa trên các phương diện, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan khu du lịch, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế du lịch của địa phương.
Làm rõ thông tin phản ánh, Pv Báo TN&MT đã có mặt tại Sa Pa để ghi nhận thực tế. Theo quan sát, trên cung đường dẫn đến điểm du lịch Thác Bạc, tại phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa hiện có 2 trạm trộn bê tông xây dựng đang hoạt động. Một trạm có tên là Hòa An Phát và trạm còn lại là Fansipan. Trạm trộn Hòa An Phát nằm chính diện ngã ba đường giao thông, điểm giao cắt giữa Quốc lộ 4D và đường tránh Lai Châu. Khu đất đặt trạm trộn bê tông này có diện tích rộng khoảng 1000 m2 và được chủ nhân cho ngăn cách với đường giao thông bằng những tấm tôn phế liệu cao chừng 1,5m, không có tác dụng ngăn bụi xi măng, cát, đá phát tác ra môi trường xung quanh. Bởi phía trong khu vực trạm trộn, cát, đá, xi măng tập kết, chất đống cao hơn bờ rào và không được che chắn. Đặc biệt, toàn bộ chất thải rắn và nước thải từ trạm trộn bê tông này không được thu gom, xử lý mà được đổ thẳng xuống ta ly âm phía sau, khiến nhiều người dân vô cùng bức xúc. Cần nói thêm rằng, trạm trộn bê tông Hòa An Phát nằm tại vị trí ngã ba đường giao thông nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai giao thông.
Trạm bê tông của Công ty mặt trời Fansipan nằm sát quốc lộ 4D, nước từ bên trong trạm trộn chảy lênh láng trực tiếp ra môi trường. |
Trao đổi với chúng tôi bà Nguyễn thị Mão, tổ 1, phường Ô Quỹ Hồ cho biết, 2 năm trước cũng có cho một doanh nghiệp đến thuê đất nhà tôi để làm trạm trộn bê tông thương phẩm với giá thuê 4 triệu/tháng. Tuy nhiên, doanh nghiệp đó mới chỉ hoạt động được vài tháng, người dân kiệu vì gây ô nhiễm, nên đã phải tháo dỡ chuyển đi nơi khác. Thế mà, trạm trộn Hòa An Phát chỉ cách nhà tôi 50m, tồn tại từ lâu, người dân liên tục kêu về tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng không hiểu sao trạm vẫn hoạt động?.
Quan sát vị trí đặt trạm trộn bê tông Fansipan của Công ty cổ phần mặt trời Fansipan, chúng tôi tin rằng, mức độ gây ô nhiễm môi trường không thua kém gì trạm trộn bê tông Hòa An Phát. Cụ thể, trạm trộn bê tông Fansipan nằm ở bên mé ta ly dương đường Quốc lộ 4 D, cao hơn so với mặt đường khoảng 30m. Tại đây, phóng viên Báo TN&MT thấy, dòng nước đục ngàu từ trong trạm trộn bê tông chảy lênh láng ra đường và cống thoát ngước của người dân. Trong vòng bán kính 150 m, lá cây phủ kín một lớp bụi xi măng trắng bạc. Một du khách ngao ngán nói với chúng tôi rằng, khu du lịch quốc gia Sa Pa đẹp là vậy mà đi tới đâu cũng gặp trạm trộn bê tông. Các trạm trộn bê tông đặt trong khu du lịch Quốc gia là trăm cái hại mà không một cái lợi, cái lợi nếu có thì chỉ là lợi cho doanh nghiệp mà thôi.
Trạm bê tông Hòa An Phát nằm ngay ngã ba giữa quốc lộ 4D và đường tránh Lai Châu, không những gây ô nhiễm môi trường mà nó còn là điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông. |
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Trường An, PGĐ công ty mặt trời Fansipan khẳng đinh, trạm bê tông của tôi có đầy đủ giấy phép và là đơn vị thực hiện nghiêm túc nhất công tác bảo vệ môi trường, đóng góp an sinh xã hội. Vậy mà, doanh nghiệp chúng tôi thường xuyên bị các cơ quan chức năng và báo chí vào làm việc xác minh này lọ mệt mỏi lắm. Trong khi các trạm trộn khác không có giấy phép, gây ô nhiễm môi trường vẫn ngang nhiên hoạt động? Ông An cho biết thêm, tất cả nguyên vật liêu đầu vào như cát, đá, xi măng các trạm trộn bê tông ở Sa Pa đều phải vận chuyển từ dưới thành phố Lào Cai lên (cách khoảng 35 km – p/v) nên không làm ảnh hưởng gì đến cảnh quan khu du lịch Sa Pa. Tuy nhiên khi chúng tôi đặt ra câu hỏi, vậy sao doanh nghiệp không đặt trạm trộn gần vùng nguyên liệu đầu vào để giảm chi phí thuê mặt bằng, cước vận chuyển và góp phần làm đẹp mỹ quan, môi trường khu du lịch Sa Pa? Ông An nói rằng, như vậy việc cung ứng không được kịp thời và chất lượng bê tông không đảm bảo?
Di chuyển đến quan sát trạm trộn bê tông xây dựng thứ 3, nằm trên đường lên thôn Hang Đá, tại phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa, chúng tôi... không tin vào mắt mình. Trạm trộn không có bảng hiệu cho biết là của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào?. Vị trí đặt trạm trộn bê tông này nằm sát đường giao thông (chỉ cách chừng 0,5 m) và không có bất kỳ một hàng rào nào ngăt cách với đường. Do đó, vật liệu và các chất thải rắn của trạm đổ tràn ra cả đường. Còn nước thải chảy xuống thung lũng Mường Hoa, nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp nhất Sa Pa.
Trạm bê tông của doanh nghiệp Đình Chinh - không biển, không hàng rào, không có hệ thống xử lý bảo vệ môi trường... |
Anh Lý A Giáng, nhà ở cách trạm trộn bê tông này 50 m cho biết, trạm trộn bê tông này là của doanh nghiệp Đình Chinh Sa Pa. Trạm trộn này đã đặt ở đây hơn 3 năm nay và làm cho cuộc sống của người dân chúng tôi bị đảo lộn. Trạm trộn hoạt động chủ yêu vào ban đêm, tiếng ồn rất lớn làm nhiều người không ngủ được. Chất thải và nước của trạm trộn xả trực tiếp ra môi trường, khiến một số ruộng bậc thang của người dân ở phía dưới bây giờ không thể trồng lúa và trồng màu như trước nữa. Vật nuôi cũng không lớn được vì uống phải nước xi măng. Chúng tôi bức xúc lắm nhưng không biết phải kêu với ai.
Tìm hiểu thêm chúng tôi nhận thấy, các trạm trộn bê tông ở Sa Pa không giải quyết được công ăn việc làm cho lao động địa phương. Đồng thời, việc đóng góp vào ngân sách nhà nước là hết sực khiêm tốn. Đơn cử, tổng số tiền thuế, phí mà trạm trộn bê tông Fansipan của Công ty cổ phần mặt trời Fansipan nộp tại Chi Cục thuế Sa Pa từ năm 2016 đến nay chỉ là 116 triệu đồng.
Anh Lý A Giáng nhà tại tổ 3, phường Cầu Mây( Sa Pa, Lào Cai) bức xúc phản ánh về trạm trộn với Báo Tài nguyên và Môi trường. |
Trao đổi với chúng tôi ông Sùng A Sình, phó Chủ tịch phường Ô Quý Hồ cho biết, trạm Fansipan và Hòa An Phát tuy nằm trên địa bàn phường nhưng họ không hề tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây. Khi chúng tôi đề cập về tình trạng ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn tai nạn giao thông, ông Sình thẳng thắn nói rằng, về cảm nhận trực quan thì đúng là khu vực đặt 2 trạm trộn bê tông là không hợp lý, gây ô nhiễm môi trường rất cần di dời. Tuy nhiên phường không có đủ chuyên môn để đánh giá các trạm trộn này có thực sự gây ô nhiễm hay không nên rất mong các cơ quan chuyên môn vào cuộc để trả lời.
Trao đổi với báo TN&MT ông Trần Trọng Thông, phó Chủ tịch thị xã Sa Pa cho biết, thị xã cũng đã nhiều lần kiểm tra các trạm trộn bê tông đặt trên địa bàn. Qua những lần kiểm tra cho thấy, các trạm đều có giấy phép hoạt động và có cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trạm nào cũng có vi phạm như Hòa An Phát thì không có rào tôn xung quanh để che chắn các phương tiện vận chuyển vật tư, không có bể lắng cặn trước khi thải ra môi trường. Toàn bộ lượng chất thải công ty đang cho thoát trực tiếp ra khe tự nhiên mà không qua bể lắng để xử lý. Công ty Mặt trời Fansipan nhiều khu vực cũng không có hàng rào che chắn, đã bố trí bể lắng nhưng lại chưa bố trí hệ thống rãnh thu gom nước thải vào bể lắng...
Nói về các phương án xử lý, ông Thông cho biết, với Hòa An Phát thì chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp di chuyển trạm trộn khỏi vị trí hiện nay và cho thời hạn là 6 tháng, đến nay đã được 3 tháng, nếu 3 tháng nữa công ty không di chuyển chúng tôi sẽ xử lý bằng cưỡng chế. Chúng tôi cũng thấy được việc các trạm trộn bê tông nằm gần đường sẽ là một điểm đen tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và làm mất mỹ quan khu du lịch. Có thể ngày trước các trạm trộn đặt ở đó là hợp lý nhưng giờ không hợp lý nữa nên cần phải di chuyển, thị xã đã lên kế hoạch di dời cho các trạm trộn này.
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường làm việc với lãnh đạo phường Ô Quý Hố ( Sa Pa, Lào Cai). |
Rời Sa Pa chúng tôi hiểu rằng, địa phương đang trong quá trình xây dựng nên không thể thiếu nguồn cung ứng bê tông tươi. Nhưng chúng tôi tin rằng, có nhiều cách giải “bài toán” bê tông tươi cho Sa Pa mà không cần phải đặt các trạm trộn trong khu du lịch Quốc gia. Vấn đề là, cơ quan chức năng và doanh nghiệp địa phương có tâm huyết tìm và triển khai các giải pháp bảo đảm cho Sa Pa phát triển bền vững hay không mà thôi?.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.