Vụ thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép: Đề xuất thu hồi giấy phép điện lực, phạt 2 lỗi vi phạm

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:13, 19/11/2020

(TN&MT) - Do vi phạm quy định về quản lý vận hành đập thủy điện, chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật sẽ bị xử phạt hành chính với 2 lỗi, đồng thời đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực...

Liên quan đến việc thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) tích nước trái phép trong các đợt bão lũ vừa qua, đoàn công tác của Bộ Công Thương vừa làm việc với chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế để kết luận những vi phạm trong công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại công trình thủy điện Thượng Nhật.

Ông Tô Xuân Bảo làm việc với chủ đầu tư

Ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, chủ đầu tư đã vi phạm 2 quy định thuộc Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cụ thể, vi phạm điểm c, khoản 3, Điều 16 có quy định “Không thực hiện quan trắc, hoặc không xử lý, lưu trữ số liệu quan trắc”. Chủ đầu tư đã bố trí các thiết bị quan trắc hồ và đập ở công trình thủy điện Thượng Nhật nhưng không tiến hành quan trắc cũng như không xử lý các số liệu quan trắc như quy định.

Vi phạm điểm a, khoản 3, điều 16 “Không có quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, hoặc vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. Đoàn kiểm tra khẳng định trong đợt bão số 13 vừa qua, chủ đầu tư chưa tuân thủ quy trình vận hành phòng chống bão lũ của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế. Tỉnh yêu cầu mở hoàn toàn 5 cửa van nhưng chủ đầu tư 2 lần không mở hoặc mở ở trạng thái không hoàn toàn...

Thủy điện Thượng Nhật bị xử phạt 2 lỗi

Đoàn đã lập biên bản 2 vi phạm trên để đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Với mỗi hành vi vi phạm trên, chiếu theo quy định của Nghị định 134 thì bị phạt với số tiền từ 30-35 triệu đồng; đối với tổ chức, doanh nghiệp thì bị phạt gấp đôi.

“Ngoài ra, dựa trên những vi phạm về an toàn hồ đập, đoàn kiểm tra sẽ đề xuất lãnh đạo Bộ Công Thương thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp cho Công ty CP đầu tư thuỷ điện Miền Trung Việt Nam tại nhà máy thủy điện Thượng Nhật”, ông Bảo nói.

Đoàn công tác Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật phải mở hoàn toàn 5 cửa van đập tràn, khắc phục tồn tại, thủ tục pháp lý liên quan về tích nước hồ chứa. Yêu cầu chuyển ngay vị trí đặt máy phát điện dự phòng từ nhà máy lên vị trí cao trình đỉnh đập nhằm đảm bảo công tác vận hành, phòng chống thiên tai. Thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực để khảo sát đánh giá ổn định vai phải đập và có phương án xử lý nhằm đảm bảo an toàn cho công trình. Thực hiện quan trắc các hạng mục công trình đã lắp đặt cho đập, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa; Hệ thống giám sát vận hành.

Ngoài ra, cần phải thực hiện nghiêm lệnh vận hành của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế quy định tại quy trình trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt. Phối hợp với chính quyền địa phương thống nhất vị trí lắp đặt hệ thống thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập, thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực hồ chứa theo quy định...

Cơ quan chức năng đang đề xuất thu hồi giấy phép hoạt động điện lực

Ông Lê Văn Khoa, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam cho biết, đơn vị sẽ nghiêm túc thực hiện triệt để các yêu cầu của đoàn kiểm tra.

“Với vấn đề thực hiện chỉ đạo của tỉnh về vận hành đảm bảo an toàn hồ đập, công ty thừa nhận trong một số thời điểm còn chậm trễ và sẽ khắc phục trong thời gian tới. Sau này, nếu trong quá trình tích nước có phát sinh những thiệt hại cho người dân, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đền bù nghiêm túc”, ông Khoa cho hay.

Theo giấy phép hoạt động điện lực được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cấp vào ngày 12-12-2019 cho Công ty CP đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam thì cho phép quản lý, vận hành nhà máy thủy điện Thượng Nhật có công suất 11 MW với 2 tổ máy và đường dây 35 kV. Được đấu nối vào lưới điện quốc gia qua đường dây 35 kV mạch kép. Thời hạn của giấy phép đến ngày 11-12-2020.

Trước đó như đã phản ánh, theo công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 12/11, những hồ chứa chưa được phép vận hành như ở thủy điện Thượng Nhật buộc phải duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn, xả nước để phòng lũ.

Lực lượng chức năng giám sát thủy điện

Tuy nhiên, vào sáng 13/11, lực lượng công an xã Thượng Nhật phát hiện thủy điện này không chấp hành nghiêm túc việc duy trì 5 cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn để đón lũ liên quan ứng phó cơn bão số 13. Mực nước hồ tích ở cao trình 115m.

Ngày 14/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành công điện khẩn về việc đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du đối với nhà máy thủy điện Thượng Nhật. Trong đó giao Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Nam Đông, Công an xã Thượng Nhật bố trí lực lượng giám sát thủy điện trên, yêu cầu Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam vận hành mở 5 cửa van của nhà máy thủy điện này về trạng thái mở hoàn toàn. Đồng thời, phải có phương án đảm bảo an toàn tính mạng con người, tài sản của nhà máy.

Sau khi có công điện trên, phía chủ đầu tư mới chịu mở tất cả 5 van cửa xả của nhà máy. Công an huyện Nam Đông đã cử tổ công tác gồm nhiều cán bộ, chiến sĩ túc trực 24/24 giờ để theo dõi. Lúc bão số 13 đổ bộ thì cán bộ được rút về để đảm bảo an toàn vì khu vực này dễ sạt lở. Song đến ngày 15/11, lực lượng chức năng lại phát hiện thủy điện Thượng Nhật tiếp tục tích nước trái phép.

Được biết, thủy điện Thượng Nhật còn có nhiều vướng mắc trong việc đền bù mặt bằng cho người dân. Người dân cũng từng phản ánh việc nổ mìn thi công công trình thủy điện đã khiến hàng chục ngôi nhà rung lắc, xuất hiện những vết nứt ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt...

Văn Dinh