Đưa di sản đến gần với công chúng
Văn hóa - Ngày đăng : 21:03, 18/11/2020
Đưa di sản đến gần công chúng |
Bà Trần Thị Thúy Lan – Phó trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: Với mục đích quảng bá các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung. Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị và cá nhân tổ chức tổ chức mỗi chuỗi hoạt động văn hóa đa dạng, độc đáo với chủ đề “Ký ức Thăng Long”.
Chuỗi hoạt động này là minh chứng thể hiện tính sáng tạo trong bản sắc trên đất Thủ Đô, khi Hà Nội được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào mạng lưới các thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế năm 2019. Trong đó, điểm nhấn của các chương trình nghệ thuật văn hoá này là đưa các di sản của Việt Nam đến gần hơn với công chúng, người xem và đông đảo người dân Thủ đô.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đàm Quang Minh chia sẻ: Tiêu biểu trong các sự kiện diễn ra ngày 21/11/2020 là Triển lãm “Việt Thiền Thi - Ngàn năm Văn Vật”. Triển lãm sẽ giới thiệu cuốn sách thơ thiền đời Lý - Trần và bộ ảnh minh họa in trên giấy Dó của nhà văn Nguyễn Duy và trưng bày những hiện vật tiêu bản – chất liệu Gốm, Sành, Đất trang trí theo lối dân gian với kỹ năng của các nghề truyền thống như: Sơn, thếp, giấy, Mây tre đan, nặn tượng dân gian…
Nhà nghiên cứu Đàm Quang Minh chia sẻ về triển lãm “Việt Thiền Thi - Ngàn năm Văn Vật” |
Trình diễn âm nhạc truyền thống “Việt Thiền Âm”, chương trình âm nhạc dựa trên lời thơ Thiền Việt với âm sắc của tiếng Việt hôm nay trong âm điệu của nhiều bộ môn ca nhạc truyền thống: Tuồng, Chèo, Xẩm…, trong âm thanh của các nhạc khí dân tộc Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Bình – Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt chia sẻ về chương trình Hội thảo “Trang phục áo dài truyền thống: Vấn đề bảo tồn và phát triển trong bối cảnh xã hội đương đại”. Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nghệ nhân… trao đổi về vấn đề bảo tồn và phát triển Áo dài truyền thống của Việt Nam trong bối cảnh xã hội hiện nay, giúp cho những người yêu tà áo dài Việt có điều kiện tìm hiểu và có một cách nhìn đầy đủ về giá trị thẩm mỹ, văn hóa của Áo dài truyền thống.
Toàn cảnh buổi họp báo |
Bên cạnh đó, là hoạt động giới thiệu văn hóa trà: “San Tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh Hà Giang - Hội nhập và Phát triển” và giới thiệu Bonsai cây cảnh nghệ thuật tại Ngôi Nhà Di sản 87 Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm; Giới thiệu và trình diễn thời trang “Chuyện phố”, bằng trang phục áo dài truyền thống của nghệ nhân Năm Tuyền và bộ sưu tập thời trang của nữ họa sĩ Trần Thu sẽ dẫn dắt người xem câu chuyện về Thăng Long - Hà Nội bình yên, hào hoa, thanh lịch và giàu bản sắc nhưng cũng vô cùng năng động, sáng tạo và hiện đại.
Đặc biệt chương trình sẽ được thực hiện bởi những người yêu di sản đến từ mọi miền tổ quốc cùng tham gia, đến với Hà Nội với Phố cổ với lòng yêu mến mảnh đất Thủ Đô ngàn năm Văn hiến, nơi có nhiều giá trị di sản cần được gìn giữ, phát huy.