Gia Lai: Cấp bách triển khai các dự án chống sạt lở sông Ba
Môi trường - Ngày đăng : 18:58, 18/11/2020
Bờ sông Ba sạt lở nghiêm trọng tạo thành bờ dốc cao đến hơn 10m |
Cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất
Ông Đinh Xuân Duyên - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa thông tin: Sông Ba đoạn chảy qua địa bàn huyện Krông Pa có chiều dài khoảng 42 km, thuộc địa phận 08 xã, thị trấn. Hiện bờ sông Ba có 13 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 22,7 km. Tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng nhất ở 03 xã: Ia Rsai, Ia Rsươm và Chư Rcăm.
Trong đó, có 02 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến khu tập trung dân cư và cầu Lệ Bắc (xã Chư Rcăm), với tổng chiều dài 4,2km. Huyện Krông Pa đã lập dự án và đề xuất phương án khắc phục tình trạng sạt lở dọc bờ sông Ba bao gồm xây dựng hệ thống kè chống sạt lở và tiến hành tái định cư cho khoảng 313 hộ dân.
Theo đó, giai đoạn 2012-2014, huyện Krông Pa triển khai dự án bố trí dân cư vùng sạt lở tại 04 buôn của xã Ia Rsai với 875 nhân khẩu; tổng kinh phí 8,7 tỷ đồng. Năm 2019, huyện tiếp tục triển khai dự án bố trí dân cư cấp bách cho 31 hộ, 166 khẩu ở 02 xã Ia Rsươm và xã Ia Rsai bằng hình thức ổn định tại chỗ hoặc xen ghép vào tái định cư.
Tuy vậy, từ trận lũ lịch sử năm 2009 khiến dòng chảy sông Ba bị biến đổi. Tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Krông Pa đang diễn biến phức tạp và có mức độ gia tăng về phạm vi, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng vùng ven sông Ba.
Theo ông Hà Văn Đường - Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm, nhiều năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông Ba đã đe dọa đến sự an toàn của 102 hộ dân (chủ yếu là người Jrai) sinh sống tại thôn Mới, thôn Sông Ba và buôn H’Lang. Ngoài ra, tình trạng sạt lở bờ sông Ba còn đe dọa đến một số công trình hạ tầng trọng yếu, điển hình là cầu Lệ Bắc trên quốc lộ 25 (nối 2 xã Chư Rcăm và Ia Rsươm).
“Mỗi mùa mưa bão, nếu không có lũ, sông Ba lại lấn vào bờ từ 3-4m, cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất và các công trình khác của người dân trên địa bàn. Các trận bão vừa qua làm xuất hiện lũ trên sông Ba, tuy mức độ thấp nhưng cũng “ngốn” sâu vào 4-5m, có đoạn lên đến gần 10m. Trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là buôn H'Lang. Xã đã giúp di chuyển một số nhà cách xa bờ sông để phòng nguy hiểm”, ông Hà Văn Đường cho biết.
Sạt lở sông Ba đã cuốn trôi nhiều diện tích đất nông nghiệp và công trình của người dân trên địa bàn |
Cần giải pháp căn cơ
Trước những tác động do sạt lở sông Ba, năm 2020 huyện Krông Pa được bố trí 8,8 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương để xây dựng kè chống sạt lở sông Ba. Theo đó, tuyến kè có chiều dài khoảng 160 m, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021. “Dự án góp phần khắc phục tình trạng sạt lở bờ tả sông Ba phía hạ lưu cầu Lệ Bắc, giữ vững một phía mố cầu. Đồng thời qua đó đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản cho người dân trong mùa mưa bão”- ông Đinh Xuân Duyên cho hay.
Trước diễn biến khó lường của tình trạng sạt lở sông Ba đe dọa an toàn của cư dân ven sông, huyện Krông Pa đã được phân bổ 19 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương thực hiện dự án di dời 99 hộ dân ở buôn H’Lang (xã Chư Rcăm) ra khỏi vùng sạt lở. Theo đó, năm 2020 dự án sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng, đền bù giải phóng mặt bằng. Dự kiến, năm 2021 sẽ hoàn thanh và di dời các hộ dân đến nơi ở mới.
Ông Đỗ Quốc Toản - Bí thư Chi bộ buôn H’Lang phấn khởi cho biết: “Khi huyện, xã họp dân để thông báo chủ trương di dời, tái định cư, bà con rất mừng. Lâu nay, bà con trong buôn đã chủ động không xây dựng thêm các công trình nhà ở, kiến trúc kiên cố để tránh lãng phí không cần thiết. Nhiều hộ đã dành tiền, đợi khi chuyển qua nơi ở mới đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, bài bản hơn”.
Tuy nhiên, thực tế các nguồn vốn nói trên mới chỉ đáp ứng nhu cầu giải quyết cục bộ trong phạm vi các đoạn sạt lở xung yếu, nguy cấp. “Để giải quyết triệt để những tác động do sạt lở sông Ba thì còn cần thêm các giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ và nguồn kinh phí lớn hơn mới khắc phục được toàn diện và lâu dài các tác động tiêu cực từ tình trạng sạt lở này”, ông Đinh Xuân Xuyên nhận định.