Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo về an ninh, trật tự ở cơ sở
Trong nước - Ngày đăng : 15:02, 17/11/2020
Phiên họp có 22 đại biểu phát biểu và 8 đại biểu phát biểu tranh luận. Các đại biểu tập trung thảo luận vào các vấn đề: Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng xã hội bình yên, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề này liên quan đến hệ thống chính trị ở cơ sở, liên quan đến quyền con người, quyền công dân, tác động đến xã hội, đời sống của nhân dân. Do đó, cần phải được nghiên cứu, chuẩn bị thật kỹ, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Toàn cảnh phiên thảo luận Quốc hội |
Xuất phát từ yêu cầu trên, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu đặt ra nhiều vấn đề, phân tích về sự cần thiết xây dựng luật, đề nghị tiếp tục rà soát, tổng kết, đánh giá kỹ chính sách chưa ban hành luật ở thời điểm này.
Nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát thật kỹ các số liệu, nhất là số liệu trong đánh giá tác động liên quan đến số người hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các số liệu liên quan đến vấn đề chi ngân sách. Một số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành luật để tạo cơ sở, nền tảng pháp lý chặt chẽ cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở địa phương, cơ sở, tuy nhiên cần tiếp tục phải rà soát kỹ.
Thứ hai, dự án Luật dự kiến thống nhất lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm có các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách. Đặt trong tổng thể đang triển khai Đề án chính quy công an xã và Luật Công an nhân dân.
Nôi dung của dự án luật phải bám sát chủ trương của Đảng và yêu cầu tinh gọn bộ máy, không phát sinh tổ chức mới, không phát sinh chi phí ngân sách, đồng thời phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
Khi quyết định đưa dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu nghiên cứu, xác định vị trí của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vừa phát huy được vai trò của lực lượng này, vừa huy động được sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo đảm nguyên tắc đây là lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia để hỗ trợ lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ, không phát sinh tổ chức, không phát sinh lực lượng mới, không làm thay hoặc đảm nhận chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an chính quy và của chính quyền cơ sở.
Trên cơ sở đó, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, bố trí lực lượng phải phù hợp với vị trí, tính chất và yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của địa bàn nông thôn, miền núi, đô thị và hải đảo.
Nội dung của dự án luật liên quan tới nhiều văn bản quy định về vấn đề đảm bảo an ninh, trật tự, tổ chức bộ máy, quy định về chế độ, chính sách, kinh phí, tài chính, do đó, cần phải rà soát thật kỹ, đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định, đặc biệt là thống nhất mối quan hệ với các lực lượng được quy định trong Luật Công an nhân dân, Luật Dân quân tự vệ, Luật Quốc phòng, Luật Lực lượng dự bị động viên và các quy định về ngân sách, về bảo hiểm
Về các nội dung cụ thể, các ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát để làm rõ các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở để phù hợp với vị trí, tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, chỉ hỗ trợ công an, chính quyền, không làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân, rà soát các quy định về xây dựng lực lượng, chế độ, chính sách và các điều kiện đảm bảo để làm sao khả thi, phù hợp với tình hình thực tế, cân đối với các lực lượng khác, không làm phát sinh gánh nặng kinh phí cho địa phương.
Về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần phải làm rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, vai trò của ngành công an và phối hợp các ngành trong việc hỗ trợ quản lý, hướng dẫn, bồi dưỡng lực lượng này để bảo đảm chặt chẽ, toàn diện, cần thiết phải có thí điểm, khảo sát để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ.
Ngoài các vấn đề trên, các ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng đã góp ý trực tiếp vào tên luật và nhiều nội dung của các điều, khoản cụ thể của dự án luật.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu, giải trình và làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm |
Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp của Quốc hội và tại các tổ đại biểu Quốc hội, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo về việc tiếp thu, giải trình một số nội dung còn có nhiều ý kiến tham gia của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Về cơ bản, cơ quan soạn thảo thấy có nhiều ý kiến tham gia nhất trí về sự cần thiết xây dựng và ban hành luật và đề nghị chỉnh lý, hoàn thiện hơn nữa dự án lần này. Như là về: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn tuyển chọn, xây dựng, bố trí, sử dụng lực lượng, phạm vi, giới hạn, phương thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, việc đảm bảo các điều kiện hoạt động của lực lượng này, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Những vấn đề đó cơ quan chủ trì soạn thảo xin nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tham gia để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.