Người dân Quảng Ngãi bảo vệ rừng ngập mặn để giữ làng
Môi trường - Ngày đăng : 13:12, 17/11/2020
Bức tường chắn gió, bão
Những ngày đầu tháng 11 khi nhiều cơn bão quét qua các tỉnh thành miền Trung, thì ở cánh rừng ngập mặn bàu Cá Cái, hơn 80 ha trải dài tạo thành mảng xanh rộng lớn khi nhìn từ trên cao. Đây là một phần của dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện thông qua thông qua sự điều phối của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Cánh rừng ngập mặn bàu Cá Cái, hơn 80 ha trải dài tạo thành mảng xanh rộng lớn khi nhìn từ trên cao. |
Anh Phạm Duy Nghĩa, thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn cho biết, vùng quê này được bao bọc bởi sông nước vây quanh. Mỗi lần mưa bão xuất hiện là ruộng đồng bị bồi lấp, nhà cửa, mồ mả bị sạt lở. Những năm gần đây, nhờ có rừng ngập mặn che chắn, nên tác hại của bão đã giảm đi đáng kể. Nhà và cây cối của anh không bị ảnh hưởng nhiều.
Không chỉ góp phần hỗ trợ phòng chống bão, rừng ngập mặn còn đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho người dân thụ hưởng (tham gia dự án). Ngoài việc khai thác nguồn lợi thủy sản từ trong đầm, gia đình anh Nghĩa đang hướng đến việc nuôi thả cua xanh để tăng thu nhập. Anh cho biết, với mỗi 2 vạn con cua giống, trừ tiền vốn đầu tư khoảng 1,2 triệu đồng, thì sau 3 tháng, nếu suôn sẻ cũng cho lợi nhuận khoảng 15 – 20 triệu đồng.
Những năm gần đây, nhờ có rừng ngập mặn che chắn, nên tác hại của bão đã giảm đi đáng kể. |
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, điều phối của dự án GCF tại Quảng Ngãi cho biết, từ năm 2014 đến nay, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” tại Quảng Ngãi đã trồng hơn mới và bảo vệ 80ha rừng ngập mặn tại bầu Cá Cái, trong đó đã giao khoán hơn 50ha rừng già cho các hộ dân bảo vệ. Hiện, dự án đã hỗ trợ được việc làm, sinh kế cho 10 hộ dân quanh dự án trồng rừng (3.000 con vịt, thức ăn, thuốc/hộ); 15 hộ quản lý, bảo vệ rừng; trên 40 hộ lao động trồng rừng…
“Sau khi khu rừng này hình thành thì có tác dụng che chắn bão, hệ sinh thái cải thiện rõ rệt, các loài chim, cò, đặc biệt là vịt trời về đây cư trú, sinh sản rất nhiều. Dưới các luồng lạch, cá, ốc, cua cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Người dân có thể đánh bắt nhưng bắt buộc phải bằng phương pháp thủ công.”- bà Nguyễn Thị Thùy Dung cho biết.
Hưởng lợi từ bảo vệ rừng
Vào mùa thu, khu rừng ngập mặn bàu Cá Cái mang vẻ đẹp khác lạ khi cây rũ hết lá, chỉ còn lại phần thân và cành màu trắng. Những năm gần đây, du khách bắt đầu tìm đến đây hít hà thiên nhiên hoang sơ và thả đôi mắt mình ngắm nhìn những bản làng nên thơ với những con người sống hiền hòa cùng khu rừng ngập mặn.
Bà Nguyễn Thị Hải cho hay, 30 năm nay gia đình bà sống bằng nghề khai thác tôm cá ở đây nuôi con ăn học. Từ năm 2019 đến nay, gia đình bà bắt đầu là thêm dịch vụ chở khách du lịch tham quan rừng ngập mặn. Hiện, gia đình bà Hải có 3 chiếc ghe, mỗi chuyến chở 3 khách tham quan bà thu được 200.000 đồng/chuyến, 2 khách tham quan mức phí là 150.000 đồng/chuyến.
Du khách bắt đầu tìm thiên nhiên hoang sơ ở rừng ngập mặn bàu Cá Cái |
“Do dịch vụ này mới bắt đầu được triển khai nên thu nhập từ việc chở khách chưa nhiều. Chúng tôi mong muốn du lịch phát triển hơn để có thể tạo thêm nhiều công ăn, việc làm hơn cho bà con. Con gái út của tôi cũng đang học ngành du lịch với hi vọng sẽ trở về quê hương để làm việc” - bà Hải cho biết.
Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, các khu rừng ngập mặn tại xã Bình Thuận không chỉ góp phần tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân, mà còn giữ một vai trò quan trọng trong phòng chống biến đổi khí hậu. Và một tác dụng lớn của rừng ngập mặn được thể hiện vừa qua là có khả năng giảm thiểu tác động từ bão.
Vào mùa thu, khu rừng ngập mặn bàu Cá Cái mang vẻ đẹp khác lạ khi cây rũ hết lá, chỉ còn lại phần thân và cành màu trắng. |
Trước những tác động tiêu cực của thiên tai ngày càng bất thường, gây sạt lở, xâm thực nghiêm trọng ở các địa phương ven biển, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, thì việc khôi phục, trồng mới các diện tích rừng ngập mặn cho thấy là giải pháp hữu hiệu.