Thăm dò đá vôi dolomit ở khu vực Bản Lang (Lai Châu): Xử lý triệt để các tác động đến môi trường

Khoáng sản - Ngày đăng : 11:00, 17/11/2020

(TN&MT) - Công tác thăm dò đá vôi dolomit tại khu vực Bản Lang, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu do Công ty TNHH MTV Tư vấn xây dựng địa chất khoáng sản Hà Nội thi công đã được sự đồng ý của chính quyền địa phương sở tại, các cơ quan chức năng, Bộ, ngành có liên quan và đã được UBND tỉnh Lai Châu, Bộ Quốc phòng đồng ý chấp thuận và Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia đã tổ chức cuộc họp để đánh giá trữ lượng đá vôi dolomit tại khu vực trên.

Ông Phan Văn Cừ - Trưởng phòng Công nghệ mỏ, Công ty TNHH MTV Tư vấn xây dựng địa chất khoáng sản Hà Nội, đơn vị tư vấn của Đề án thăm dò trên cho biết: Công tác thi công thăm dò bao gồm đo vẽ bản đồ địa hình, địa chất, địa chất thủy văn - địa chất công trình (ĐCTV – ĐCCT) trên diện tích 21,5 ha; thi công 23 lỗ khoan thăm dò, mở 1 moong khai thác thử nghiệm. Trước khi tiến hành thi công ngoài thực địa, Công ty TNHH MTV Tư vấn xây dựng địa chất khoáng sản Hà Nội đã tiến hành lập phương án thi công, biện pháp thi công, biện pháp an toàn gửi chủ đầu tư (Công ty TNHH MTV Vũ Gia Lai Châu). Trong đó, cam kết với chủ đầu tư về vấn đề an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình tiến hành thăm dò.

Hoạt động khai thác mỏ đá vôi. Ảnh: MH

Nhìn chung, các công tác thăm dò được thực hiện ở quy mô nhỏ, hầu như không gây tác động có hại đến môi trường xung quanh như: không gây biến đổi cảnh quan thiên nhiên trong vùng, không làm nhiễm bẩn khí quyển, thủy quyển, không ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất. Các rác thải sinh hoạt trong quá trình thi công đã được nhà thầu thu gom để xử lý.

“Các hạng mục thi công thăm dò đã thực hiện đầy đủ theo các quy trình bảo vệ môi trường cảnh quan, cũng như thực hiện theo đúng cam kết với chủ đầu tư về vấn đề an toàn và vệ sinh môi trường. Quá trình thăm dò không gây tác động có hại đến môi trường xung quanh, các tác động đến môi trường đều được đơn vị thi công thăm dò kết hợp với chủ đầu tư xử lý triệt để”, đại diện đơn vị tư vấn khẳng định.

Theo ông Phan Văn Cừ, trong khu vực thăm dò chỉ có đá vôi dolomit thuộc hệ tầng Bản Páp. Vì vậy, trong quá trình thi công các công trình thăm dò, đơn vị tư vấn đã đặc biệt chú ý công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Cụ thể, đã tiến hành cắm mốc ranh giới khu vực thăm dò, lấy mẫu phân tích lát mỏng, hóa toàn diện, quang phổ ICP - MS, giã đãi... để khoanh định khu vực thăm dò và bảo vệ khoáng sản chưa thăm dò, đánh giá sự có mặt hay không của các khoáng vật quặng, cũng như sự có mặt hay không của các nguyên tố quý hiếm và nguyên tố kim loại có giá trị kinh tế cao trong khu vực thăm dò. Ngoài ra, lấy sản xuất thử vôi dolomi phần đá có kích thước khối < 0,4 m đánh giá khả năng ứng dụng vào các ngành công nghiệp để tránh lãng phí tài nguyên.

“Kết quả nghiên cứu cho phép khẳng định trong diện tích thăm dò không có mặt khoáng sản quý hiếm nào khác ngoài đá vôi dolomit thuộc hệ tầng Bản Páp”, ông Phan Văn Cừ nói.

Tại cuộc họp đánh giá trữ lượng đá vôi dolomit tại khu vực Bản Lang mới đây tại Hà Nội, ông Lê Văn Lượng - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia cho biết: Công tác nghiên cứu địa chất cơ bản đã làm sáng tỏ đặc điểm địa chất khu thăm dò, làm cơ sở bố trí công trình thăm dò. Cụ thể, khu mỏ đã được đo vẽ và lập bản đồ địa chất tỉ lệ 1:50.000. Trong giai đoạn thăm dò này đã tiến hành đo vẽ bản đồ địa chất tỉ lệ 1:2.000, trên diện tích 21,5 ha.

Từ các tài liệu thu thập được tại các công trình khoan và vết lộ kết hợp với các tài liệu địa chất trước đây, tác giả đã thành lập được bản đồ địa chất khu mỏ ở tỉ lệ 1:2.000 cho thấy khu mỏ phân bố hoàn toàn là đá vôi, đá vôi dolomit thuộc hệ tầng Bản Páp có khả năng làm đá ốp lát và làm đá vôi dolomi.

Mai Đan