Cải cách hành chính về đất đai

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 10:54, 17/11/2020

(TN&MT) - Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai, ngành quản lý đất đai đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm bớt quy trình, thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

 

Ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở TN&MT Long An:

Đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đất đai

Sở TN&MT Long An đã và đang thực hiện đồng bộ công tác cải cách TTHC về đất đai trong quy trình xử lý, giải quyết văn bản đến và trình ký, ban hành văn bản, đơn giản hóa, chuẩn hóa thể thức văn bản.

Cụ thể, tại Văn phòng Quản lý đất đai, nếu như cùng kỳ năm 2019, số lượng hồ sơ tồn đọng, chưa kịp giải quyết là hơn 10% trong tổng số hơn 322.000 hồ sơ đã tiếp nhận thì nay chỉ còn dưới 1%.

Hiện nay, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành TN&MT Long An đã ứng dụng công nghệ thông tin, mạng nội bộ, sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc. Sở TN&MT Long An cũng đã sử dụng phần mềm quản lý đất đai trong việc cập nhật thông tin địa chính và cấp phát Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm kinh phí vận chuyển và hạn chế trễ hạn trong giải quyết hồ sơ đất đai.

Trong thời gian tới, Sở TN&MT Long An sẽ thường xuyên rà soát, cập nhật TTHC về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là về lĩnh vực đất đai. Đẩy mạnh tham mưu công tác cải cách hành chính, giải quyết TTHC về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.

 

 

Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La:

Đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa TTHC lĩnh vực đất đai

Trong những năm gần đây, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai của Sở TN&MT Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2017, việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC đã thực hiện tại Trung tâm hành chính công của tỉnh, theo cơ chế “một cửa” liên thông giữa các Sở, ngành với UBND tỉnh và liên thông cấp tỉnh với cấp huyện, giúp cắt giảm đáng kể thời gian thực hiện TTHC (tối thiểu 30%) so với quy định.

Đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với 11 dịch vụ (trong đó lĩnh vực đất đai 3 dịch vụ); có 32 TTHC được triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. 100% hồ sơ tiếp nhận được giải quyết sớm và đúng hạn.

Nhờ đó, năm 2019 kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước của Sở TN&MT (Chỉ số SIPAS) đạt 97,52 điểm, tăng 8 bậc so với năm 2018, xếp vị trí thứ 2/20 Sở, ban, ngành; Chỉ số cải cách hành chính (Chỉ số PAR INDEX) đạt 85,64 điểm, tăng 2,21 điểm so với năm 2018, xếp vị trí thứ 11/20 Sở, ban, ngành; Chỉ số năng lực canh tranh (chỉ số DDCI) đạt 75,3 điểm, xếp vị trí thứ 15/20 Sở, ban, ngành.

Để tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính lĩnh vực đất đai, Sở TN&MT đã giao các phòng chuyên môn tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC nhằm cắt giảm thời gian thực hiện, giảm thành phần hồ sơ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hoạt động của ngành, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, minh bạch. Chủ động rà soát, cập nhật các TTHC đảm bảo phù hợp với các quy định mới ban hành, chuẩn hóa và công khai theo quy định.

 

Ông Đinh Trọng Thành, Chánh Văn phòng Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi:

Mạnh dạn đổi mới cách giải quyết TTHC về đất đai

Quảng Ngãi là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước mạnh dạn đưa TTHC về đất đai của cấp huyện (thủ tục đất đai trên địa bàn TP. Quảng Ngãi) về giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Điều này đã tạo sự hài lòng cho hộ gia đình và cá nhân khi giải quyết TTHC về đất đai.

Nhờ đó, việc cải cách hành chính về đất đai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Giải quyết cho tổ chức, doanh nghiệp đạt 98% số hồ sơ giải quyết đúng hạn và trả cho tổ chức kịp thời; Đối với hộ gia đình, cá nhân thì tỷ lệ giải quyết TTHC và trả kết quả đúng hẹn đạt trên 96,7%. Sở cũng chú trọng đến công tác kiểm soát TTHC, đặc biệt là ứng dụng phần mềm “một cửa” của tỉnh. Bố trí nhân lực làm công tác kiểm soát TTHC theo dõi, đôn đốc nhắc nhở hồ sơ sắp đến hạn.

Thời gian tới, Sở tiếp tục hoàn thiện quy trình nội bộ và quy trình giải quyết hồ sơ liên thông đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở với các Sở, ngành và các địa phương. Riêng đối với TTHC về đất đai của hộ gia đình, cá nhân, Sở đã trình UBND tỉnh cho phép Giám đốc Sở ủy quyền cho Giám đốc và các Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Việc ủy quyền sẻ rút ngắn được thời gian luân chuyển hồ sơ đến lãnh đạo Sở giải quyết (ít nhất giảm được từ 1 - 2 ngày).

Để rút ngắn quá trình giải quyết hồ sơ cho người sử dụng đất, tiết kiệm tối đa chi phí cho ngân sách Nhà nước, từ tháng 7/2019, Sở TN&MT và Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp trao đổi thông tin qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.Bà Lương Thị Thủy, Quyền Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở TN&MT Lạng Sơn:

 

Bà Lương Thị Thủy, Quyền Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở TN&MT Lạng Sơn:

Chỉ thực hiện bàn giao hồ sơ giấy là bản chính theo quy định

Để rút ngắn quá trình giải quyết hồ sơ cho người sử dụng đất, tiết kiệm tối đa chi phí cho ngân sách Nhà nước, từ tháng 7/2019, Sở TN&MT và Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp trao đổi thông tin qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Hiện nay, việc gửi và nhận file hồ sơ điện tử chỉ mất 1 hoặc 2 phút. 100% tệp hồ sơ điện tử luân chuyển qua hệ thống đều được ký, đóng dấu hoặc xác thực chữ ký số. Từ khi phối hợp ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, hai cơ quan chỉ thực hiện bàn giao hồ sơ giấy là bản chính theo quy định. Bản sao điện tử được quét và lưu trữ trên hệ thống. Qua đó rút ngắn quá trình giải quyết hồ sơ, góp phần trả kết quả đúng và sớm hẹn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất. Đến nay, tỷ lệ trả kết quả giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai đúng hạn đạt trên 96 %, tỷ lệ trả kết quả chậm hạn giảm từ 4,9% (năm 2019) xuống còn hơn 3%.

PV (lược ghi)