Kẹt ở ngã tư ‘khổ’

Xã hội - Ngày đăng : 14:26, 16/11/2020

(TN&MT) - Đường mở rộng nhưng hai đầu ngã tư thắt cổ chai, lượng phương tiện đông, phân luồng chưa hợp lý... là những nguyên nhân khiến đường Trường Chinh (Thanh Xuân , TP. Hà Nội) trong tình trạng 'trên thông, dưới tắc'.

Sau những ngày thông xe đường Vành đai 2 trên cao đoạn tuyến dọc đường Trường Chinh, tình hình ùn tắc tại nút giao Ngã Tư Sở diễn ra rất phức tạp. Người ta ví von Ngã Tư Sở đang quay trở lại là ngã tư 'khổ' trong những khung giờ giao thông cao điểm.

Ngã Tư Sở trở thành  ngã tư “khổ” trong những khung giờ giao thông cao điểm

Thực tế, tuyến Trường Chinh từ lâu đã là điểm nóng ùn tắc của Hà Nội. Sau những nỗ lực của Thủ đô, tuyến này đã được mở rộng, khơi thông luồng tuyến để giúp người dân đi lại dễ dàng thuận tiện và nhanh chóng hơn. Được kỳ vọng như vậy, nhưng người dân chỉ kịp vui mừng trong thời gian ngắn, đến nay, tuyến đường này lại rơi vào cảnh ùn tắc nghiêm trọng. 

Không thể phủ nhận được những quyết tâm của TP. Hà Nội để xóa được điểm ùn tắc lớn này. Thế nhưng còn quá nhiều những rào cản để vực dậy diện tích đất dành cho giao thông, vốn đã thua kém và hụt hơi nhiều năm qua trong cuộc đua với tốc độ gia tăng phương tiện. Những kịch bản từng được các chuyên gia cảnh báo về việc ùn tắc đã thành hiện thực, đó là việc mở rộng một tuyến đường không giúp cải thiện nhiều cho cả mạng lưới giao thông.

Câu chuyện quy hoạch giao thông của Hà Nội cũng giống thực trạng một số đô thị lớn của cả nước. Do không có đủ nguồn lực để có thể cùng một lúc nâng cấp cả hệ thống, nên khi mở rộng cục bộ một tuyến đường, nó sẽ gây ra những tác động phân bổ lại lưu lượng trên mạng lưới và hệ quả là những đoạn chưa được mở rộng với năng lực còn thấp kém, không thể tiếp nhận được lưu lượng mới tăng thêm nên mức độ ùn tắc sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Trong khi đó, “tắc nghẽn” giao thông đang là điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm sự phát triển kinh tế của hầu hết các địa phương trên cả nước. Điều này đã được Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) công bố từ năm 2018, tại Hà Nội, ùn tắc giao thông gây thiệt hại khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm. Con số này tại TP.HCM khoảng 1,3 tỷ USD. Ngoài ra, môi trường đầu tư, hiệu quả khai thác năng lực phương tiện vận tải và các vấn đề phát triển xã hội khác đều bị ảnh hưởng.

Những ngày qua, để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này, các nhịp đèn tín hiệu đã được điều chỉnh lại để phân tải nhanh cho tuyến Trường Chinh. Thế nhưng, khi tuyến này được phân tải nhanh hơn, tuyến giao cắt lại gặp cảnh ùn tắc kéo dài.

Nhìn từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, để gỡ nút thắt cổ chai về giao thông, cần phải xem xét đến cả một vùng tương đối rộng lớn, chứ không xét một điểm cục bộ. Khi xem xét môi trường cục bộ, rất dễ rơi vào tình trạng chỉ giải quyết trước mắt, tạm thời và có thể lại xuất hiện các xung đột mới ngay tại vị trí cũ. Giải quyết nút thắt cổ chai phải từ góc độ quy hoạch, tái tổ chức giao thông cho cả một vùng, chứ không chỉ một vài điểm.

Các chuyên gia gia thông dánh giá, lời giải lúc này đó là tiến hành xây dựng hầm chui, hay cầu vượt tại những nút giao lớn như Ngã Tư Sở. Bài học đã có là tuyến Nguyễn Trãi giao cắt Vành đai 3 và giờ đây cắt tiếp Vành đai 2. Đây là giải pháp hiệu quả để giảm xung đột giữa các dòng phương tiện, giảm triệt để thời gian dừng chờ đèn đỏ, tránh ùn ứ kéo dài.

Tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng đoạn đường từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng, được UBND TP. Hà Nội khởi công từ tháng 4/2018. Dự án xây mới hoàn toàn tuyến đường bộ trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở có chiều dài 5,1km, rộng 19m.

Còn phần đường Vành đai 2 hiện tại từ Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng dài 3,1km sẽ được mở rộng với mặt cắt 53,5 - 63,5m, quy mô 8 làn xe (6 làn dành cho xe cơ giới và 2 làn dành cho xe thô sơ), có dải phân cách rộng 4m ở giữa và vỉa hè rộng 4 - 6m mỗi bên...

Tổng mức đầu tư của dự án gần 9.500 tỷ đồng.

Phương Anh