Thái Nguyên: Bùng phát dịch tả châu Phi khiến người chăn nuôi lo lắng

Xã hội - Ngày đăng : 19:29, 14/11/2020

(TN&MT) - Đầu tháng 11/2020, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trở lại và có xu hướng lan rộng tại huyện Định Hóa, thị xã Phổ Yên và thành phố Sông Công khiến người chăn nuôi khá lo lắng. Ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên đang khẩn trương thực hiện các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, giảm thiểu thiệt cho người chăn nuôi.

Lợn chết do mắc dịch tả lợn châu Phi tại thị xã Phổ Yên(Thái Nguyên) tháng 11 năm 2020.

Từ ngày 3/11, sau khi xuất hiện những trường hợp lợn bị ốm, chết do mắc bệnh tả lợn Châu Phi đầu tiên tại các hộ chăn nuôi thuộc các xã: Minh Đức, Đông Cao, Nam Tiến(thị xã Phổ Yên) đến nay, dịch tả lợn Châu Phi vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, lây lan ra nhiều xóm, xã và có nguy cơ bùng phát trên địa bàn toàn thị xã.

Mới khôi phục chăn nuôi nhưng nay đàn lợn của gia đình ông Tạ Văn Huấn và nhiều hộ chăn nuôi tại xã Đông Cao, thị xã Phổ Yên lại bị dịch bệnh tả lợn châu Phi. Ông Tạ Văn Huấn, xã Đông Cao, Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên xót xa nói: Cả gia đình tôi chỉ trông cậy vào đàn lợn là vốn liếng tích cóp bấy lâu nay. Cách đây chục ngày, thấy hiện tượng lợn bỏ ăn, chảy máu ra miệng rồi nó lăn đùng chết. Tôi òa khóc vì tiếng của và biết sẽ mất trắng đàn lợn cũng như công sức, tiền của. Bây giờ, gia đình đang rắc vôi xác lợn, khử trùng chuồng trại để đấy chờ xã với các cấp về để tiêu hủy. Năm ngoái cũng mất 20 con lợn nái và một số lợn bột, khoảng hơn 2 tấn.

Ông Tạ Văn Huấn, xã Đông Cao, Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đang rắc vôi bột khử trùng xác lợn chết do mắc dịch tả lợn châu Phi.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự gia đình ông Huấn, hộ ông Tạ Văn Kiên, xã Đông Cao, Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cũng có đàn lợn tết mắc dịch tả châu Phi. Ông Kiên chia sẻ: Dự kiến của gia đình là đàn lợn này chăn đến dịp tết nhưng không may nó bị bệnh phải tiêu hủy hơn 20 con, gia đình khi thấy lợn bị bệnh cũng mua thuốc thú y về tiêm nhưng không thấy khả thi nên đã cáo chính quyền xã,..để tiêu hủy.

Ông Tạ Văn Kiên, xã Đông Cao, Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên rắc vôi bột lên hố chôn lợn chết do mắc dịch tả châu Phi.

Được biết, năm 2019, hơn 2.600 con lợn tại địa phương này phải tiêu hủy vì nhiễm dịch tả châu Phi. Tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu phi đã xuất hiện tại 5 xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, lực lượng chức năng đã tiêu hủy trên 250 con lợn với tổng trọng lượng 9.646 kg của 45 hộ chăn nuôi. Trong đó, thị xã Phổ Yên và thành phố Sông Công là 2 địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp nhất. Ông Hoàng Công Hợp, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cho hay: Thị xã đã có chỉ đạo thực hiện tiêu hủy toàn bộ số lợn ốm chết để tránh lây lan dịch bệnh. Tổ tiêu hủy cũng làm hồ sơ theo biểu mẫu chặt chẽ, làm cơ sở để hỗ trợ cho người dân.

Theo tính toán, chỉ một đợt dịch tả lợn châu Phi quét qua Thái Nguyên vào năm ngoái đã gây thiệt hại lớn và tỉnh đã phải bỏ khoảng 500 tỷ đồng chi phí cho công tác chống, chặn dịch để tái đàn vào năm sau.

Bà Lê Thị Quỳnh Hương, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Thái Nguyên đã cho biết: Dịch tả lợn châu Phi bùng phát lần này có nhiều nguyên nhân. Có thể do người dân mua thịt lợn bệnh từ chợ không được kiểm soát về sử dụng đã để rơi rớt mầm bệnh lây lan ra đàn vật nuôi; Và cũng có thể do vận chuyển gia súc không được kiểm dịch chặt chẽ. Mặt khác, do bà con nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán, năm trước có lợn bị mắc dịch, nay mầm bệnh gặp thời tiết khí hậu thuận lợi nên mầm bệnh lại phát triển trở lại khiến đàn vật nuôi bị nhiễm dịch bệnh.

Để dịch tả lợn châu Phi không bùng phát trên diện rộng, gây thiệt hại cho người nông dân, mỗi hộ chăn nuôi cần thực hiện khai báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn khi phát hiện lợn ốm, chết hoặc có triệu chứng của bệnh dịch; Không giấu dịch, bán chạy bán tháo ra thị trường; Không vứt xác lợn chết ra môi trường. Khi tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết và xử lý ổ dịch cần thực hiện đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh, an toàn. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và thủy sản Thái Nguyên đã có khuyến cáo đến toàn thể các hộ chăn nuôi chú ý phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi mùa đông này. Kế hoạch tái đàn đã được cơ quan chuyên môn thực hiện rất tốt đạt 97,98%. Hiện đàn lợn cả tỉnh vẫn đang được bảo vệ an toàn. Lượng thực phẩm từ thịt lợn đủ để cung cấp cho tết Nguyên Đán.

Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Thái Nguyên đang phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch như: hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại; thực hiện phun hóa chất tiêu độc, khử trùng khu vực ổ dịch với cường độ cao; xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và tổ chức hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Đức Nam