Thừa Thiên Huế: Tập trung ứng phó bão số 13, cấm người dân ra đường

Môi trường - Ngày đăng : 17:38, 13/11/2020

(TN&MT) - Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 13 (VAMCO), tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó với bão.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 13 nhiều khả năng sẽ vào Bắc Trung Bộ và Trung Bộ trong đó có Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, với cơn bão này, các địa phương cần hết sức quan tâm đến sức gió. Gió trong cơn bão này có khu vực ảnh hưởng có thể lên tới cấp 9, cấp 10 và giật cấp 12.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương cho biết, để ứng phó với bão số 13, lũ quét, sạt lở đất, tỉnh đã xây dựng kế hoạch di dời 19.671 hộ dân/65.890 khẩu đến nơi an toàn (tương đương với đợt bão số 9).

Tàu thuyền vào bờ tránh bão

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu, kêu toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào neo đậu an toàn 2.062 chiếc/11.350 lao động phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển hướng dẫn tránh trú, neo đậu tại bến; Công an tỉnh đã chỉ đạo CSGT đường thủy hướng dẫn, neo đậu an toàn các tàu thuyền trên sông, đầm phá. Đồng thời sẵn sàng các phương án chuẩn bị ứng phó với bão số 13 với phương châm “4 tại chỗ”, phát huy “tự quản tại chỗ”.

Tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu người dân không ra khỏi nhà dự kiến bắt đầu từ 18h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; căn cứ vào tình hình thực tế, có thể điều chỉnh phù hợp với diễn biến thời tiết; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi gió lớn xảy ra (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).

Kiểm tra, rà soát việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá, âu thuyền, bến neo đậu, các lồng bè nuôi trồng thủy sản; tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng kể từ 15h ngày 14/11.

Cắt tỉa cây xanh trước khi bão vào

Khẩn trương tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng, nhà không kiên cố. Việc sơ tán dân hoàn thành trước 10h ngày 14/11. Các đơn vị, địa phương hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với bão. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu người dân thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của bão, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các địa phương trước 10h sáng 14/11 phải hoàn thành việc di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

“Trong thời gian diễn ra bão, lũ lớn, yêu cầu người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà, đi lại trên đường, tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến khi bão tan… Ban Quản lý khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động theo dõi tình hình diễn biến mưa bão để thông báo, chỉ đạo các chủ doanh nghiệp hướng dẫn cho các công nhân viên các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nghỉ làm việc để đảm bảo an toàn cũng như chằn chống, bảo vệ toàn bộ tài sản, nhà xưởng phòng tránh lốc, gió mạnh.  Sở GD&ĐT tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa bão thực tế tại địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn”, ông Phương nhấn mạnh.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế cũng đề nghị các sở, ngành, nhất là lực lượng quân đội, công an chủ động triển khai lực lượng, phương tiện để sẵn sàng cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố trên biển, trên đất liền, cũng như hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do bão, lũ...

Văn Dinh