Lào Cai: Sản xuất Thảo quả bền vững gắn với bảo vệ rừng
Kinh tế - Ngày đăng : 16:09, 13/11/2020
Thảo quả một loại dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế cao được thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, do đặc tính của cây Thảo quả đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của rừng. Không những, thế khi người dân canh tác trồng Thảo quả còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến rừng như săn bắt động vật làm thức ăn, sử dụng lửa gây cháy rừng...
Diện tích cây thảo quả ở Lào Cai lớn, mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm tỷ đồng cho người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là những lợi ích trước mắt, để lại hậu quả trong sự phát triển bền vững của những khu rừng tự nhiên và rừng phòng hộ. Theo thống kê của Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) hiện có 1.918 hộ dân canh tác 1.250 ha thảo quả dưới tán rừng (giảm 467 hộ dân và 423 ha thảo quả so với năm 2016). Trong vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên đang tồn tại 628 lều, lán sinh hoạt, sấy thảo quả, trong đó khoảng 50% lều, lán tạm thời, không kiên cố.
Việc trồng và sấy Thảo quả trên rừng làm diện tích rừng tự nhiên bị đe dọa và tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. |
Anh Sùng A Sếnh, một trong những hộ dân canh tác Thảo quả đồng ý tháo dỡ lều của gia đình trông và sấy thảo quả cho biết, nương thảo quả của nhà anh được trồng từ khi ông nội anh còn sống, sau đó để lại cho bố anh. Cách đây 3 năm, bố anh cho vợ chồng anh chăm sóc, thu hoạch. Trung bình mỗi năm gia đình thu được 20 bao Thảo quả khô, bán thu 100 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình anh tuy nhiên khi nghe cán bộ nói về tác hại của việc trồng và dựng lều lán. Mặc dù rất tiếc nuối nhưng anh Sểnh đồng thuận để tổ công tác tháo dỡ lều, lán, đồng thời bản thân ký cam kết với chính quyền xã sẽ không dựng lại lều, lán.
Thời gian qua để quản lý và bảo vệ rừng tốt, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã phối hợp tổ chức 36 buổi họp tuyên truyền với sự tham gia của 2.045 lượt người, gồm 1.918 hộ dân có sản xuất Thảo quả. Người dân ký 1.511 bản cam kết sản xuất Thảo quả bền vững. Qua công tác tuyên truyền, vận động, có 343 hộ gia đình cam kết tự nguyện tháo dỡ lều, lán thảo quả (đạt 54,6%). Hiện 38 hộ dân đã hoàn thành việc tháo dỡ.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, trong thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, vận động người dân không mở rộng diện tích Thảo quả trong rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; thực hiện việc tuần tra, kiểm soát và xử lý kịp thời những đối tượng xâm hại rừng, đặc biệt là mở rộng diện tích Thảo quả, dựng lều, lán và chặt cây lấy củi sấy thảo quả.
Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã siết chặt quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn |
Đến nay, các địa phương đã xây dựng phương án quản lý chặt diện tích Thảo quả đang canh tác, không để phát sinh trồng mới; có lộ trình cụ thể để thực hiện việc xóa bỏ hoàn toàn cây Thảo quả trồng dưới tán rừng tự nhiên đặc dụng, phòng hộ xung yếu. Xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ các lều, lán để sản xuất Thảo quả dưới tán rừng tự nhiên. Nếu hộ nào không tháo dỡ, chỉ đạo thực hiện các biện pháp buộc tháo dỡ theo lộ trình.
Ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết: Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra hoạt động canh tác và sản xuất Thảo quả dưới tán rừng tự nhiên là “lợi bất cập hại”. Tuy nhiên, để xóa bỏ hoàn toàn các diện tích Thảo quả trong rừng già, rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là “bài toán” khó đòi hỏi có lời giải thỏa đáng và thời gian. Chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp với UBND cấp xã và các chủ rừng rà soát, thống kê, lập danh sách các hộ dân có trồng cây Thảo quả để lập hồ sơ quản lý, ký cam kết sản xuất Thảo quả bền vững gắn với bảo vệ rừng. Do vậy những năm gần đây các vụ cháy rừng trong địa bàn tỉnh Lào Cai giảm hẳn, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng được quy hoạch và bảo vệ.