Điều chỉnh một số nội dung của Đề án điều tra khoáng sản vùng Tây Bắc

Thời sự - Ngày đăng : 14:06, 13/11/2020

(TN&MT) - Ngày 13/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên có cuộc họp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam về nội dung điều chỉnh Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội”.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Ông La Thanh Long – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết: Căn cứ vào tình hình thực hiện các đề án thành phần thuộc đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”, Tổng cục đề nghị điều chỉnh đề án với một số nội dung.

Cụ thể, điều chỉnh đơn giá các hạng mục có liên quan theo đơn giá được ban hành tại Quyết định số 657/QĐ-BTNMT ngày 17/3/2020; điều chỉnh khối lượng của các hạng mục cho phù hợp với diễn biến địa chất thực tế; bổ sung hạng mục Lập báo cáo đánh giá khoáng sản phục vụ đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, 5 Đề án thành phần không thực hiện điều chỉnh trong kỳ điều chỉnh này bao gồm: Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Đình Lập, Biên tập, tổng hợp, lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:250.000 vùng Tây Bắc; Điều tra, đánh giá địa nhiệt và các nguồn nước khoáng nóng vùng Tây Bắc; Bay đo từ, phổ gamma và trọng lực một số khu vực vùng Tây Bắc và Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất khoáng sản vùng Tây Bắc (không có điều chỉnh đơn giá)…

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chia sẻ những khó khăn trong việc triển khai các đề án điều tra, đánh giá khoáng sản

Trong đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”, nhóm các Đề án điều tra, đánh giá khoáng sản là nhóm có nhiều khó khăn nhất. Theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, trong các đề án điều tra, đánh giá khoáng sản, nhóm đề án điều tra, đánh giá vàng và đồng liên quan đến sự cản trở của các cá nhân.

Ngoài ra, quá trình điều tra, đánh giá khoáng sản cũng gặp khó khăn về việc phân tích mẫu cho chuẩn. Chẳng hạn, đối với nhóm vonfram, thiếc, muốn phân tích thiếc phải có thiết bị và hệ thống phương pháp gia công phù hợp. Trong khi đó, phân tích vàng phụ thuộc vào qui trình phá mẫu đáp ứng với mỗi kiểu mỏ khác nhau, đặc biệt là kiểu vàng hàm lượng thấp nhưng qui mô lớn trong đá biến đổi và vàng trong cấu trúc tinh thể của Pyrit, Arsenopyrit... Khó khăn khác là việc xác định các kiểu mỏ, các đá biến đổi nhiệt dịch liên quan đến quặng hoá vàng để đề ra phương pháp đánh giá phù hợp.

“Đặc biệt, một khó khăn nữa không hề nhỏ là thiếu các chuyên gia về tìm kiếm thăm dò mỏ ẩn sâu”, ông Nguyễn Văn Nguyên nhấn mạnh.

Ông La Thanh Long – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) báo cáo tại cuộc họp

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên mong muốn các đơn vị phối hợp thực hiện thành công Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”.

Về các nội dung điều chỉnh, Thứ trưởng Trần Quý Kiên giao cho các Vụ theo quy chế, quy định, chức năng, nhiệm vụ rà soát, tổng hợp, nếu thấy các nội dung này phù hợp, đảm bảo yêu cầu thì trình Bộ xem xét phê duyệt để Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam triển khai.

Theo Thứ trưởng, đây là Đề án rất cần thiết nhưng trong quá trình triển khai phải hết sức tiết kiệm.

Đối với khó khăn về các đề án điều tra, đánh giá khoáng sản theo ông Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, những khó khăn liên quan đến người dân địa phương, trong quá trình dân vận, Tổng cục cần có sự phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tại khu vực điều tra, đánh giá.

Mai Đan