Giun quế - Giải pháp cải thiện môi trường trong chăn nuôi
Kinh tế - Ngày đăng : 11:17, 12/11/2020
Giun quế là sinh vật nhỏ bé nhưng lại là “người bạn” của nông nghiệp và người nông dân. Nuôi giun quế đơn giản, ít tốn kém bởi đây là loại ký sinh trùng đặc biệt, có đời sống thực địa với khả năng sinh sôi nhanh. Thức ăn chủ yếu của giun quế là phân động vật và các rác thải hữu cơ như rau củ, quả và các loại rác hữu cơ hoại mục. Sau khi tiêu hóa các thành phần thức ăn, giun quế sẽ thải ra phân có chứa các thành phần axit amin, giàu đạm, là nguồn thức ăn “bổ dưỡng” cho gia súc, gia cầm. Không những vậy, phân giun quế còn chứa nhiều hỗn hợp vi sinh có hoạt tính cao, dễ hòa tan trong nước, chứa hơn 50% đất mùn, do đó phân giun quế còn giúp cây trồng phát triển đạt năng suất cao, tăng khả năng cải tạo đất đai.
Nuôi giun quế giúp giảm thiểu rác hữu cơ, phân động vật, trong khi phân giun quế có giá trị dinh dưỡng cao trong chăn nuôi |
Với nhiều ưu điểm, giun quế đang được nhiều gia trại, trang trại tại Thanh Hóa mở rộng quy mô và kết hợp chăn nuôi. Trong đó, gia trại của anh Nguyễn Đình Tuấn tại xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) có tổng diện tích hơn 1 ha, được gia đình đầu tư chăn nuôi kết hợp trâu, bò, lợn, gà và giun quế. Tại đây giun quế trở thành một “mắt xích” quan trọng trong quá trình chăn nuôi, quay vòng thức ăn.
Theo anh Tuấn, giun quế có vòng đời trung bình khoảng 70 ngày, được nuôi và sử dụng để tái đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phân giun được giao bán cho các mô hình trồng rau sạch, cây cảnh với giá 4 triệu/tấn. Đồng thời, mỗi cá thể giun có tới 80% lượng protein nên rất thích hợp làm thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, gà khi ăn giun quế sẽ phát triển nhanh, thịt chắc, ngon, đạt năng suất rất cao. Mô hình kết hợp nuôi giun quế giúp gia đình giảm tới 70% chi phí thức ăn chăn nuôi. Ước tính, mỗi năm lợi nhuận đạt trên dưới 400 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nuôi giun quế còn góp phần giảm thiểu rác thải hữu cơ, bảo vệ môi trường. Giun quế có sức tiêu hóa rất lớn, tác dụng phân giải rác hữu cơ của giun quế chỉ đứng sau các vi sinh vật. 1 tấn giun quế có thể tiêu hủy được khoảng 80 tấn rác thải hữu cơ hoặc 50 tấn phân động vật. Ngoài ra, giun quế sống trong đất còn giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, phân giun phế góp phần giảm bớt lượng phân hóa học, giúp cây cối phát triển tốt, tăng khả năng chống sâu bệnh hại, giúp nông dân giảm bớt việc sử dụng thuốc trừ sâu, giữ môi trường trong lành.
Tưới chế phẩm sinh học vào sinh khối giun |
“Trước đây, mô hình nuôi giun quế chưa được biết đến nhiều, hầu hết các trang trại, gia trại không tránh được mùi hôi thối từ phân động vật, ruồi nhặng, gây ô nhiễm môi trường. Với đặc tính ưa thích thức ăn là phân động vật, nên giun quế nhanh chóng “xử lý” hết thức ăn chỉ trong vòng 1 - 2 ngày. Toàn bộ phân động vật sau khi ngâm ủ cùng chế phẩm vi sinh được gia đình tôi thu gom để nuôi giun quế, giúp khử mùi hôi, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Môi hình nuôi giun quế đặc biệt hiệu quả tại các trang trại chăn nuôi, các vùng nông thôn có nhiều gia súc, gia cầm”. anh Tuấn chia sẻ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mô hình nuôi giun quế giúp giảm thiểu đáng kể một lượng rác thải hữu cơ, phân động vật thải ra môi trường. Mô hình đang được nhiều bà con nông dân nhân rộng tại các huyện Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Thạch Thành…