Ngăn ô nhiễm rác thải nhựa đại dương từ nguồn
Môi trường - Ngày đăng : 09:42, 12/11/2020
Một nghiên cứu mới được công bố tháng 7/2020 cho biết, nếu Chính phủ và các Công ty không giảm mạnh sản xuất nhựa, lượng rác thải nhựa chảy vào đại dương và giết chết sinh vật biển có thể tăng gấp 3 lần trong 20 năm tới.
Thói quen sử dụng túi ni lông, đồ dùng nhựa cùng với những hạn chế trong khâu tái chế, xử lý rác thải nhựa tạo ra “gánh nặng” ngày càng lớn đến kinh tế, môi trường cũng như sức khỏe của con người. Về mặt kinh tế, chỉ riêng rác thải nhựa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã gây thiệt hại cho ngành du lịch, đánh bắt thủy sản và vận chuyển 1,3 tỷ đô la mỗi năm.
Ö nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu |
Tổng thiệt hại kinh tế đối với hệ sinh thái biển toàn cầu do rác thải nhựa gây ra ít nhất là 13 tỷ đô la mỗi năm (UNEP 2018). Về môi trường và sức khỏe con người, để phân hủy hoàn toàn các sản phẩm nhựa, túi ni lông cần thời gian hàng trăm năm, đặc biệt là các sản phẩm nhựa thải ra đại dương có thể kéo dài hơn.
Do thời gian phân hủy quá chậm, trong khi đó thời gian sử dụng lại ngắn, khả năng lưu giữ các thành phần độc hại lâu nên rác thải nhựa gây ra tác động xấu đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm đất, nước và đại dương.
Rác thải nhựa đã gây hại cho ít nhất 267 loài động vật khác nhau, gây ra cái chết cho khoảng một triệu chim biển, 100.000 động vật biển có vú và các loại cá khác với số lượng không thể đo đếm được. Những hại nhựa siêu vi (rất nhỏ) do rác thải nhựa phân hủy có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể các loài sinh vật biển, và từ đó xâm nhập vào chuỗi thức ăn cho con người, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), hiện đã có 80 quốc gia trên thế giới đưa ra các lệnh cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường, đồng thời tăng cường xử lý, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa.
Việt Nam xếp thứ 20 trên thế giới về phát sinh chất thải nhựa với 3,27 triệu tấn mỗi năm và nằm trong top đầu những quốc gia có tỷ lệ chất thải nhựa được xử lý không đầy đủ, chiếm 5,76% trong tổng lượng chất thải nhựa không được xử lý đầy đủ trên toàn thế giới.
Tỷ lệ tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu người ở Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/người năm 1990 lên 63 kg/người năm 2017, tốc độ tăng trung bình 10,6%/năm (Tạ Việt Phương 2019). Bình quân một hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi ni lông/tháng, tương đương 1 kg túi ni lông/hộ/tháng. Các loại túi ni lông được sử dụng tràn lan trong các hoạt động xã hội, chủ yếu là loại túi siêu mỏng.
Hệ quả là lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, ước tính lượng rác thải nhựa được tạo ra từ 1,8 - 2,8 triệu tấn/năm. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông.
Nhận diện những ảnh hưởng tiêu cực đến từ ô nhiễm rác thải nhựa, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách, chiến lược nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn. Phong trào “Chống rác thải nhựa” đang được cộng đồng hưởng ứng, quan tâm và đồng thuận cao. Bước đầu, chúng ta dần thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng không bền vững. Toàn xã hội đồng lòng trong xác định lại giá trị, cách thức sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa.
Biển đem lại tôm cá, là nơi sinh kế cho bao thế hệ người dân miền biển. Mỗi một hành động giữ sạch biển, dưỡng biển hôm nay, chính là cách thiết thực để trả ơn thiên nhiên, để con người và biển cả luôn sống trong mối giao hòa, gần gũi.