Huế: Sơ tán hơn 37.000 người, nước lũ đang lên
Môi trường - Ngày đăng : 22:12, 11/11/2020
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến chiều tối 11/11, khoảng 12.000 hộ với hơn 37.000 nhân khẩu ở các vùng nguy hiểm, sườn núi, vùng sạt lở, thấp trũng, ven biển, đầm phá… được sơ tán đến nơi an toàn. Khoảng 1.000 tấn gạo và nhiều tấn lương thực từ nguồn hỗ trợ của tỉnh đã được chuyển đến các xã, thị trấn cấp phát cho người dân trước tình trạng mưa lũ kéo dài.
|
Đến tối 11/11, nước các sông lên rất nhanh đã gây ngập lũ trên diện rộng tại Thừa Thiên Huế. Mực nước trên sông Hương tại Kim Long lúc 19h ngày 11/11 đạt 3,32m, dưới báo động III 0,18m, mực nước trên sông Bồ tại Phú Ốc là 4,61, dưới báo động III 0,11m.
Hiện các hồ chưa ở Thừa Thiên Huế đã đạt, xấp xỉ đạt mực nước dâng bình thường. Tại hồ thủy điện Hương Điền, mực nước lúc 19h ngày 11/11 là +58,00m (mực nước dâng bình thường 58m), lưu lượng đến hồ 2.567 m3/s, lưu lượng về hạ du 2.567m3/s. Tại hồ thủy điện Bình Điền, mực nước +84,64m (mực nước dâng bình thường 85m), lưu lượng đến hồ 2.053m3/s, lưu lượng về hạ du 2.053m3/s. Tại hồ Tả Trạch mực nước đạt +43,67m (mực nước dâng bình thường 45m), lưu lượng đến hồ 1.154m3/s, lưu lượng điều tiết về hạ du 640m3/s.
Nhiều tuyến đường giao thông và khu vực dân cư ở nhiều xã của huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, Hương Thủy, A Lưới... bị ngập từ 0,5 – 0,6m. Trong đó, các xã Quảng Thành, Quảng An của huyện Quảng Điền đang bị nước lũ dâng cao, chia cắt; xã Đông Sơn của huyện A Lưới bị nước lũ bao vây cô lập. Chính quyền các địa phương đang khẩn trương di dời các hộ dân ở vùng trũng thấp, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… đến những địa điểm an toàn.
Sạt lở xảy ra tại huyện miền núi A Lưới |
Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền chia sẻ, gần một tháng qua, người dân vùng thấp trũng gần như dầm mình trong nước lũ. Giờ đây, mưa bão lại tiếp tục, dự báo kéo dài đến một tuần, thậm chí dài hơn. Ngoài phương châm “4 tại chỗ”, huyện Quảng Điền đang triển khai quyết liệt phương châm “tự quản tại chỗ”, quyết tâm không để thiệt hại về người. Lãnh đạo huyện đến cơ sở ngày đêm túc trực, bám địa bàn, nắm bắt thông tin, tình hình mưa lũ để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Ghi nhận của PV trong tối 11/11 tại TP.Huế, các tuyến đường Tố Hữu, Dương Văn An, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Bạch Đằng, Mang Cá, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Công Trứ, Võ Thị Sáu, Phan Đình Phùng, Phan Anh, Trịnh Công Sơn, Hải Triều, Tôn Đức Thắng… đã bị ngập rất nặng. Nhiều tuyến đường trong số này ngập sâu từ 0,5-1m, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Mưa lớn kéo dài cũng gây sạt lở một số nơi ở tỉnh. Tuyến quốc lộ 49A Huế - A Lưới bị sạt lở nghiêm trọng tại Km 76+500. Các lực lượng chức năng đã tập trung phương tiện cơ giới để thông tuyến nhưng vẫn chưa thể khắc phục được hoàn toàn. Lực lượng CSGT phải dựng rào chắn cấm người và phương tiện đi qua tại ngã ba Bốt Đỏ và cầu Hồng Hạ (huyện A Lưới) để bảo đảm an toàn.
Nước ngập nhiều nơi ở TP. Huế trong đêm 11/11 |
Hiện tại học sinh toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được cho nghỉ học trong ngày 12/11 để đảm bảo an toàn.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, mực nước trên sông Hương và trên sông Bồ dự kiến tiếp tục lên trên mức trên báo động III trong đêm 11/11 và sáng 12/11.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương cho rằng, dự báo nước lũ trong đêm 11/11 tiếp tục dâng lên, vì vậy chính quyền địa phương cơ sở phải nắm chắc thông tin tình hình ngập lụt, cũng như nhu cầu của người dân; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để ứng cứu, hỗ trợ người dân bị đau ốm hoặc trường hợp nước lũ dâng cao không kịp đối phó.
“Lượng mưa trên địa bàn tỉnh ngày 12/11 được dự báo sẽ giảm dần, tuy nhiên cần đề phòng mưa lớn cục bộ tại một số địa phương. Bên cạnh đó, cơn bão VAMCO đang tiến vào biển Đông, có nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến Thừa Thiên Huế vào chiều tối 14/11, do vậy chính quyền địa phương cần khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng ứng phó”, ông Phương nhấn mạnh.