Giàu có trong bức bối và ô nhiễm

Môi trường - Ngày đăng : 15:08, 11/11/2020

(TN&MT) - Ô nhiễm môi trường làng nghề đã trở thành “thương hiệu” riêng của các địa phương. Bất cứ nơi nào có nhiều làng nghề, ở đó, đời sống kinh tế của người dân khá giả nhưng thường trực nguy cơ đối diện với bài toán khó về môi trường.

Điều này cũng được nhấn mạnh trong Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, về lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Cụ thể, việc thực hiện quy định về môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề chưa nghiêm, nhất là xử lý nước thải còn hạn chế.

“Chiếc áo chật” trong vòng vây chất thải

Các làng nghề ngày càng phình to, chèn ép khoảng trời bình yên của cuộc sống người dân

Các làng nghề hình thành, tồn tại, trải qua nhiều thăng trầm và phát triển cho đến tận bây giờ. Thế nhưng hôm nay, cả nước đâu còn những làng quê yên ả, thanh bình với tiếng bễ lò rèn đỏ lửa, đâu còn tiếng quay tơ, tiếng thoi dệt lụa quen tai… Thay vào đó là âm thanh inh ỏi phá dỡ thiết bị công nghệ lạc hậu; thiết bị nghiền công suất lớn tra tấn nhiều làng quê.

Thực tế từ nhiều năm nay, với hơn 1.300 làng nghề và hơn 3.200 làng có nghề trên cả nước ở đủ các lĩnh vực sản xuất khác nhau, tình trạng ô nhiễm làng nghề chưa bao giờ bớt nóng trong nhiều năm qua, khiến ngành Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương có làng nghề hết sức đau đầu. Quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu, thiếu công trình hạ tầng thu gom và xử lý nước thải, các làng nghề trở thành “điểm nóng” ô nhiễm. Đường đi của nước thải là đổ trực tiếp xuống cống rãnh và chảy ra sông, hồ…

Hậu quả tất yếu là chất thải ngập tràn khắp đường làng, ngõ xóm, cánh đồng, ven đê... Các cơ sở sản xuất không khác nhà máy công nghiệp thời kỳ những năm 60 - 70 của thế kỷ 20, được thoải mái chui vào ở cùng người dân, ngày càng phình to, chèn ép khoảng trời bình yên của cuộc sống. Cũng chính từ đó, làng “ung thư” hiện diện, rình rập cuộc sống của biết bao người.

Hiện, cả nước mới có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành văn bản chuyên biệt hoặc có điều khoản quy định về bảo vệ môi trường làng nghề lồng ghép trong văn bản chung. Các tỉnh, thành phố còn lại chưa có quy định về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó, có địa phương không có làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận.

Đã có những lỗ hổng quản lý đối với môi trường làng nghề. Biểu hiện rõ nhất là các văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề còn thiếu và chưa cụ thể; chức năng, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường làng nghề của các cấp quản lý chưa rõ ràng; chưa có quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung làng nghề; tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề còn yếu và chưa phát huy hiệu quả; nhân lực, tài chính và công nghệ cho bảo vệ môi trường làng nghề không đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn; chưa huy động được đầy đủ các nguồn lực xã hội trong bảo vệ môi trường làng nghề...

Cần nhìn nhận thực tế, làng nghề không giống một doanh nghiệp. Nó có cấu trúc hai trong một, tức là làng và nghề - “làng trong nghề và nghề trong làng”. Các hộ dân làm nghề trong làng nghề là những hộ cá thể, thường thiếu sự hợp tác đủ mức để cùng chăm lo đến môi trường, công nghệ thường lạc hậu, quản lý nghề theo kiểu gia đình truyền thống, khó áp dụng chế tài với cộng đồng nông thôn.

Vì vậy, cần quy định rõ những nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng cần chuyển sang khu quy hoạch cho sản xuất riêng, không được sản xuất trong làng. Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra, xử nghiêm các trường hợp sản xuất kinh doanh núp bóng dưới làng nghề để trốn tránh các nghĩa vụ, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Loay hay tìm phương kế

Trên quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng”, những năm qua, nhiều địa phương đã và đang cố gắng tìm cách ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động của làng nghề, từ giải pháp thay đổi nhận thức cho người dân đến những giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, giải pháp về quy hoạch, sắp xếp lại.

Một số địa phương đã và đang cố gắng tìm cách ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động của làng nghề

Đơn cử như Bát Tràng không còn đen kịt bụi than kể từ khi chuyển sang nung gốm bằng lò gas hay Phú Đô không còn nồng nặc từ cổng làng bởi người dân làm bún thôi nuôi lợn… Đó ít nhiều là tín hiệu khả quan về môi trường ở các làng nghề và làng có nghề.

Nhưng xét trên bình diện lớn hơn, xa hơn, đó vẫn chỉ là giải pháp “vụn vặt” để phần nào giảm bớt những dấu hiệu “bề mặt” của ô nhiễm. Hằng năm, chúng ta đã có rất nhiều hội thảo, đề án khoa học nghiên cứu tìm giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề. Song, vấn đề nằm ở chỗ, đang có sự “vênh nhau” rất lớn giữa trách nhiệm và năng lực của địa phương trong việc giải quyết vấn đề môi trường cho làng nghề.

Trong khi đó, giải quyết ô nhiễm môi trường trên cả nước còn rất ngổn ngang khiến Trung ương và các Bộ ngành đau đầu, chuyện làng nghề, đương nhiên phải bắt đầu từ làng, từ xã, và phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động, trách nhiệm, sự linh hoạt của chính quyền địa phương. Nhưng nhiều địa phương vẫn còn tâm lý ỷ lại vào ngân sách, lúng túng quản lý môi trường làng nghề, do hạn chế cả về nhận thức cũng như khả năng hoạch định giải pháp.

Những nỗ lực sắp xếp quy hoạch lại làng nghề mà không dựa trên điều kiện tồn tại sống còn của nó, tách nó ra khỏi “hệ sinh thái” ngàn năm, tách nghề ra khỏi “làng”, thực tế đã không thành công.

Chưa kể, những giải pháp tuyên truyền không dựa trên hiểu biết thấu đáo, không phù hợp với cách hiểu của người dân và quan trọng là không chỉ cho người dân biết họ nên làm gì, phải làm gì, dẫn đến nhận thức và hành vi của cộng đồng ở làng nghề đối với chuyện ô nhiễm môi trường, dịch chuyển còn chậm.

Hoặc một số địa phương đã hoạch định được giải pháp dài hơi, nhưng lại không thể triển khai, bởi mắc ngay ở câu hỏi đầu tiên là “tiền ở đâu?”

Đó là những cái khó mà nhiều địa phương đang đối mặt trong nỗ lực giải bài toán ô nhiễm môi trường ở làng nghề, cần được tháo gỡ. Do vậy, để phát huy được vai trò chủ động, quyết định của mình, các địa phương cần được hỗ trợ về nguồn lực con người, để đánh giá đúng thực trạng môi trường và nhìn nhận nó trên tổng thể thách thức chung ô nhiễm môi trường trên phạm vi lớn hơn, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi làng, xã.

Giải pháp môi trường cho từng làng nghề dù dựa trên giải pháp chung của ngành, song cần gắn với trong điều kiện cụ thể về nguồn lực và đặc thù xã hội của địa phương, để không nằm “trên giấy”. Và điều quan trọng là cần có những cơ chế đủ linh hoạt để địa phương có thể kêu gọi các nhà đầu tư tham gia tháo gỡ vấn đề môi trường - một lĩnh vực mà ai cũng biết là vô cùng “khó”.

Đến lúc, chúng ta cần thẳng thắn nhìn vào thực tế, đừng để cái lợi trước mắt của cái gọi là "sự phát triển kinh tế” che khuất những nguy cơ tiềm ẩn khủng khiếp và lâu dài.

Phải thu gom, xử lý nước thải làng nghề đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường

Theo dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), làng nghề truyền thống và các làng nghề khác phải thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Cụ thể tại Điều 132 về trách nhiệm bảo vệ môi trường làng nghề trong Dự thảo Luật quy định, làng nghề truyền thống và các làng nghề khác phải có kết cấu hạ tầng đảm bảo thu gom, phân loại, lưu giữ tạm thời, vận chuyển chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại đến nơi xử lý theo quy định; thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường. Làng nghề cần có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường. Nhà nước có chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý và vận hành hệ thống xử lý chất thải phát sinh từ làng nghề truyền thống theo quy định của pháp luật.

Trong quản lý môi trường làng nghề, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh có làng nghề là quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống phải gắn với bảo vệ môi trường. Bố trí ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề; chỉ đạo, tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm làng nghề trên địa bàn.

 UBND tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; khu tập kết, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho làng nghề; quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề; có kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư…

 

 

 

Phương Anh