Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia mang tính thời đại

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 15:04, 11/11/2020

(TN&MT) - Sáng 11/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì họp Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, 5 năm qua, diễn biến thiên tai hết sức phức tạp, từ đợt hạn hán kỷ lục mùa khô năm 2015 - 2016 cho đến đợt bão lũ lịch sử đang diễn ra ở miền Trung. Đặc biệt, chưa bao giờ bão chồng bão, lũ chồng lũ liên tục xảy ra trong vòng gần một tháng rưỡi như vừa qua.

Diễn biến thiên tai cực đoan đặt ra vấn đề sớm xây dựng một mạng lưới trạm quan trắc KTTV trong giai đoạn mới. Với lần làm quy hoạch lần này, sẽ có nhiều điều cần nghiên cứu và đưa vào quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì cuộc họp

Thứ trưởng từng nhấn mạnh, trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh trọng trách phục vụ điều tra cơ bản, dự báo khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn còn phải mang tính chất thời đại, phục vụ hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đồng thời, hiện thực hóa mục tiêu lồng ghép mạng lưới quan trắc của Bộ TN&MT, trong đó, lấy nòng cốt là mạng lưới quan trắc KTTV.

Thuyết minh về Nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Nam Dương, Vụ trưởng Vụ Quản lý mạng lưới KTTV, Tổng cục KTTV (đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ) cho biết, quy hoạch hướng đến mục tiêu phát triển mạng lưới trạm KTTV quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước. Cùng với đó, đáp ứng yêu cầu công tác điều tra cơ bản, dự báo, cảnh báo, phòng, chống thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, duy trì, củng cố, nâng cấp hiện đại hóa các trạm KTTV hiện có, xác định chỉ tiêu phát triển mạng lưới quan trắc tự động, ưu tiên đầu tư xây dựng mới các trạm KTTV, tài nguyên môi trường biển (ra đa biển, phao) phục vụ công tác dự báo, cảnh báo KTTV, nhất là các thiên tai nguy hiểm và thiên tai trên biển… Giai đoạn 2026 - 2030, xác định chỉ tiêu tự động hóa mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia của Việt Nam so với khu vực và trên thế giới…

“Tầm nhìn đến năm 2050, sẽ có hệ thống quan trắc KTTV, tài nguyên môi trường biển hiện đại, đạt trình độ so với khu vực và thế giới”, ông Dương nêu.

Theo ông Dương, một số nội dung chính lập quy hoạch, đó là: Điều tra, thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu, bản đồ; Phân tích, đánh giá các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng phân bổm sử dụng không gian của mạng lưới trạm KTTV; Dự báo xu thế phát triển và kịch bản phát triển anh hưởng trực tiếp đến mạng lưới KTTV quốc gia trong thời kỳ quy hoạch; đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng trong thực trạng phát triển mạng lưới trạm KTTV quốc gia…

Toàn cảnh cuộc họp

Trên cơ sở báo cáo tóm tắt thuyết minh Nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các thành viên hội đồng cơ bản đồng tình với sự cần thiết phải thực hiện quy hoạch và đóng góp ý kiến để sớm hoàn thiện nhiệm vụ quy hoạch này.

PGS.TS Trần Quang Đức, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, quy hoạch mạng lưới quan trắc KTTV thời kỳ mới gặp thách thức về yêu cầu kỹ thuật tương đối cao, để làm tốt phải tìm hiểu kỹ quy hoạch trước xem chỗ nào chưa có, chỗ nào có nhưng làm chưa tốt…

“Trong hai giai đoạn 2020 - 2025 và 2026 - 2030 đều xác định chỉ tiêu về “tự động hóa”, cần cân nhắc và xác định rõ ràng hơn về chỉ tiêu này”, PGS.TS Trần Quang Đức đề xuất.

Đồng tình với quan điểm của PGS.TS Trần Quang Đức; PGS.TS Trần Duy Kiều, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học TN&MT Hà Nội cho rằng, cần làm rõ ở từng giai đoạn làm những trạm nào, tại khu vực nào thì mức độ tự động hóa ra sao; như vậy, quy hoạch sẽ tốt hơn.

Quan tâm đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực liên quan đến quy hoạch, PGS.TS Trần Duy Kiều nhấn mạnh, nếu nguồn nhân lực vào ngành KTTV như hiện nay thì tương lai “lấy ai làm dự báo”, đây không phải là câu chuyện mới, phải giải quyết bằng cơ chế chính sách, làm rõ giải pháp tăng tính thu hút nguồn nhân lực. Quy hoạch mạng lưới tốt, tự động hóa cao nhưng không có nhân lực thì thất bại.

Thống nhất ý kiến các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, đây là lần làm quy hoạch lớn, cần xác định rõ mục tiêu, sản phẩm của quy hoạch. Đồng thời, xem xét trong 5 năm, 10 năm tới những loại trạm nào là cố định, lâu dài, cần có nhà có đất, có người.

“Đây là quy hoạch quốc gia nên phạm vi phải rộng hơn, sự lồng ghép các loại mạng lưới quan trắc ngành Tài nguyên và Môi trường phải rõ ràng hơn”, Thứ trưởng yêu cầu.

Tuyết Chinh