Bão số 12 đi vào tỉnh Phú Yên làm 1 người mất tích, 1 người bị thương
Môi trường - Ngày đăng : 21:22, 10/11/2020
Ông Lê Ngọc Tính - Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết, hiện lực lượng chức năng cùng người thân đang tìm kiếm ông Hồ Ngọc Bưng (35 tuổi), ngụ thôn Phú Lộc, xã Hoà Thắng, huyện Phú Hòa bị nước cuốn trôi mất tích trên sông Ba.
Theo báo cáo nhanh đến 19 giờ ngày 10/11 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, bão số 12 làm một người bị thương là tài xế xe tải bị gió bão làm lật xe ven quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Đông Hòa.
Phú Yên nhiều địa phương bị ngập sâu trong mưa lũ |
Toàn tỉnh Phú Yên có 8 căn nhà bị sập, hư hỏng, tốc mái. Nhiều công trình, trường học, trụ điện bị ngã đổ, nhiều tuyến giao thông bị ngập lụt, sạt lở, chia cắt, ách tắc giao thông. Đường sắt Bắc - Nam đoạn qua xã Hòa Xuân Đông, thị xã Đông Hòa bị đất đá sạt lở đổ xuống đường. Bão làm mất điện 68 xã trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Hiện lũ trên các sông ở Phú Yên đang tiếp tục lên nhanh, gây ngập lụt tại nhiều vùng, nhất là các huyện Đồng Xuân, Tuy An. Nhiều vùng có nguy cơ ngập sâu như các xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam của huyện Đồng Xuân; các xã An Định, An Dân của huyện Tuy An. Đến tối 10/11 tỉnh Phú Yên đã sơ tán hơn 7.000 người đi tránh lũ, trong đó nhiều nhất là huyện Đồng Xuân với hơn 2.130 người.
Đồng chí Phạm Đại Dương - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên khi đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 12 |
Cũng trong sáng ngày 10/11, đồng chí Phạm Đại Dương - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên khi đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 12 ở các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa và một số hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 12 và mưa lũ sau bão kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Phú Yên vừa có công văn yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương khẩn trương triển khai công tác khắc phục bão và mưa lũ sau bão.
Mưa lớn gây ngập lụt người dân đi lại khó khăn |
UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố không được chủ quan, lơ là; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất xảy ra sau bão; kịp thời chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”; xử lý kịp thời các tình huống, sự cố phát sinh và khắc phục nhanh hậu quả bão, mưa lũ lụt xảy ra. Tổ chức trực lãnh đạo, trực ban 24/24. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các vùng trũng thấp dễ bị ngập lụt, chia cắt, khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực vùng đồi núi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất cao, kịp thời di dời sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Các địa phương ven biển hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản nhất là ở vùng cửa sông, tránh xảy ra sự cố đứt dây neo, trôi tàu thuyền dẫn tới những thiệt hại về người, phương tiện sau bão, mưa lũ, ngập lụt. Kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ có người bị thương, thiệt hại về nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, không để người dân bị đói, khát.
Nhiều khu dân cư ngập sâu trong mưa lũ |
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương huy động lực lượng phối hợp đơn vị Công ty Môi trường đô thị khẩn trương thu dọn các vật dụng, rác thải, cắt, di chuyển số lượng cây bị đổ ngã sau khi bão đi qua, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Tuy Hòa. Khẩn trương huy động đủ lực lượng hỗ trợ nhân dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh ngay sau khi bão, lũ đi qua.