Phát triển vật liệu xây không nung: Ưu tiên công nghệ và bảo vệ môi trường bền vững
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 11:03, 10/11/2020
Đó là ý kiến được nhiều đại diện của các Bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học và các doanh nghiệp nhất trí tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung và Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây tại Hà Nội.
VLXKN bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, nhưng sản lượng thấp
Mặc dù VLXKN có rất nhiều ưu điểm như: bảo vệ môi trường, tiết kiệm các tài nguyên khoáng sản… nhưng việc tiêu thụ sản phẩm VLXKN còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến sản lượng thấp, nguyên nhân do đâu?
Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng): Sản xuất VLXKN tiết kiệm các tài nguyên khoáng sản
|
Ở nước ta, vật liệu xây truyền thống từ trước tới nay là gạch đất sét nung, một lượng nhỏ vật liệu xây ở dạng không nung như gạch đá ong (làm từ đá ong), gạch papanh (sản xuất từ xỉ, vôi và đá mạt), gạch silicat (sản xuất từ bột vôi, cát nghiền và được chưng áp)… Trong thực tế, tỷ trọng VLXKN trên tổng sản lượng vật liệu xây vào thời điểm trước năm 2010 rất thấp, chỉ vào khoảng 5 - 8%.
Sản xuất gạch đất sét nung truyền thống phải sử dụng một lượng lớn nguyên liệu đất sét và nhiên liệu than đá, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường do khí thải (CO2, NO2, NOx) và ảnh hưởng đến an ninh lương thực do quá trình sản xuất làm mất đất sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, sản xuất VLXKN hạn chế, khắc phục được các vấn đề nêu trên, giảm khí phát thải, tận dụng được một số loại phế thải công nghiệp làm nguyên liệu, tiết kiệm các tài nguyên khoáng sản.
Mặc dù Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sử dụng, tiêu thụ sản phẩm VLXKN, tuy nhiên, do thói quen sử dụng gạch đất sét nung, do bị cạnh tranh về giá bán của các sản phẩm vật liệu trên thị trường, đồng thời, trong thi công và sử dụng VLXKN tại một số công trình đã xuất hiện các hiện tượng nứt, thấm tường ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng đối với VLXKN, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm VLXKN cũng gặp không ít khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm, sản phẩm tồn kho lớn ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và kết quả thực hiện Chương trình.
Ông Trần Duy Phúc – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cơ khí và vật liệu xây dựng Thanh Phúc:
|
Công ty CP cơ khí và vật liệu xây dựng Thanh Phúc có 3 dòng sản phẩm chính: Dòng sản phẩm về máy móc thiết bị (chế tạo dây chuyền gạch ngói không nung); dòng sản phẩm vật liệu (gạch ngói không nung); sản phẩm trang trí cho các khu vui chơi giải trí, resort, nhà dân như đá siêu mềm, đá siêu nhẹ và đá nhân tạo. Những sản phẩm này không phải đá tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, có màu sắc rất đẹp, tính năng rất nhẹ, có thể làm thành những khổ siêu lớn, thi công nhanh.
Đối với đá siêu nhẹ, giá thị trường hiện nay hơn 2 triệu/m2; còn đối với đá siêu mềm, giá thị trường khoảng 1,4 - 1,6 triệu/m2. Trong khi đó, giá thị trường hiện nay của đá tự nhiên dao động hơn 2 triệu/m2, cao hơn giá của đá siêu nhẹ và đá siêu mềm. Mặc dù mới có mặt trên thị trường khoảng hơn 1 năm nay nhưng trong thời gian tới, đá siêu nhẹ và đá siêu mềm với nhiều lợi thế về giá và tính năng sẽ chiếm lĩnh thị trường và thay thế đá tự nhiên.
Tiến tới sử dụng triệt để VLXKN, giải pháp công nghệ là yếu tố then chốt?
Để tiến tới sử dụng triệt để VLXKN, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan đã phối hợp, đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp về khoa học công nghệ; tuy nhiên đó có phải là giải pháp chủ đạo để thúc đẩy nguồn tài nguyên này phát triển? Vấn đề này cũng được thảo luận sôi nổi tại Hội nghị trên.
Ông Nguyễn Đình Hậu – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN): Rà soát các vấn đề KH&CN cần giải quyết, tiến tới sử dụng triệt để VLXKN
|
Khi các lợi thế về nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ không còn nữa, phải lấy khoa học làm động lực chính, từ các đơn vị quản lý, doanh nghiệp đến các trường cần thống nhất về nhận thức.
Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình phát triển VLXKN, Bộ Xây dựng xem xét rà soát các vấn đề KH&CN cần giải quyết để tiến tới sử dụng triệt để VLXKN nhằm thực hiện thành công Chương trình. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện các nội dung và hoạt động nghiên cứu để hoàn thành chương trình.
Về đầu tư nghiên cứu, cần rà soát để sử dụng các kết quả nghiên cứu trong giai đoạn tới, Bộ KH&CN sẽ đồng hành và phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua hoạt động nghiên cứu. Ngoài ra, các viện, trường lấy hoạt động của doanh nghiệp làm trung tâm, gắn hoạt động nghiên cứu của viện, của trường với hoạt động của các doanh nghiệp để đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công ty Cổ phần bê tông khí Viglacera: Cần nhiều giải pháp, không chỉ riêng KH&CN
|
Với mong muốn quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được, thay đổi tập tục và thói quen sử dụng vật liệu xây truyền thống của xã hội, công ty đã nghiên cứu và sản xuất một loại vật liệu xanh dùng trong xây dựng – Gạch bê tông khí chưng áp và tấm Panel ALC chưng áp.
Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng cần tiếp tục đưa ra các chính sách để ủng hộ và phát triển VLKN nói chung và sản phẩm bê tông khí chưng áp công nghệ cao nói riêng; kiện toàn các tiêu chuẩn kinh tế về thiết kế và định mức kinh tế kỹ thuật cho sản phẩm bê tông khí chưng áp; đưa ra các biện pháp nhằm thắt chặt việc sản xuất, sử dụng gạch nung truyền thống gây tiêu tốn nhiều tài nguyên và ô nhiễm môi trường; thường xuyên tổ chức hội thảo, đào tạo, phổ cập các giải pháp thi công về vật liệu không nung nói chung và vật liệu bê tông khí nói riêng.
VLXKN có nhiều ưu điểm vượt trội so với vật liệu xây truyền thống nhưng để tiến tới sử dụng triệt để VLXKN vẫn còn nhiều trở ngại. Phải chăng, ngoài giải pháp công nghệ, chúng ta còn thiếu những văn bản pháp lý quan trọng để tạo đà cho VLXKN phát triển?