Những cảnh báo không thể xem nhẹ

Môi trường - Ngày đăng : 10:31, 10/11/2020

(TN&MT) - Các nguy cơ đe dọa an ninh nguồn nước, theo Ngân hàng Thế giới, có thể khiến nền kinh tế Việt Nam bị tổn thất khoảng 6% GDP mỗi năm từ năm 2035 so với kịch bản không có các mối đe dọa. Những mối đe dọa này cần được giải quyết để đảm bảo có được nước an toàn và đầy đủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Cảnh báo cho thấy, tài nguyên nước của Việt Nam về cả số lượng và chất lượng đều đang đối mặt với những đe dọa ngày càng lớn.

Sự phát triển nhanh chóng của đất nước, kết hợp với các mối đe dọa do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), đã tạo ra nhiều mối đe dọa, đặc biệt là lũ lụt, ô nhiễm ngày càng gia tăng và cạnh tranh giữa các ngành sử dụng nước trong mùa khô.

Ô nhiễm nước đang nổi lên là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế. Tác động của nguồn nước ô nhiễm lên sức khỏe con người, có thể làm giảm 3,5% GDP vào năm 2035. Tác động nhỏ hơn khoảng 0,8% tới năng suất lúa là do ảnh hưởng của chất lượng nước kém. Mô hình này chưa tính đến hậu quả kinh tế do các hình thức ô nhiễm nước khác, bao gồm cả tình trạng xâm nhập mặn của nguồn nước mặt và nước dưới đất.

Ảnh minh họa

Quá trình đô thị nhanh chóng là nguyên nhân gây gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Nước thải công nghiệp và đô thị là nguồn gây ô nhiễm nguồn nước lớn nhất. Chỉ có 46% hộ gia đình ở đô thị có đầu nối vào đường ống thoát nước và chỉ 12,5% nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào các nguồn nước (Bộ Xây dựng 2019). Trong 15 năm tới, nước thải đô thị dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất của nước thải (khoảng 60%). Nước thải công nghiệp sẽ chiếm 25 - 28% và nước thải nông thôn là 12 - 15%.

Ở các thành phố đang phát triển nhu cầu về nước sẽ tiếp tục tăng lên để phục vụ quá trình công nghiệp hóa và mở rộng ngành sản xuất nông nghiệp. Tài nguyên nước dồi dào nhưng có giới hạn và sự phân bố nguồn nước không đều theo không gian và thời gian sẽ càng trầm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu. 81% lượng nước mặt được sử dụng cho nông nghiệp, 11% cho nuôi trồng thủy hải sản, còn lại mới đến người dùng.

Ngành nông nghiệp cũng đóng góp một lượng lớn chất thải từ phân bón, mầm bệnh và dược phẩm dùng trong chăn nuôi. 80% của tổng số 84,5 triệu tấn chất thải chăn nuôi tạo ra mỗi năm được thải vào môi trường không qua xử lý. Chất thải chăn nuôi mang chất dinh dưỡng, mầm bệnh và các hợp chất dễ bay hơi là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất. Việc áp dụng kỹ thuật thâm canh càng khiến tình trạng ô nhiễm tăng mạnh do phân bón và thuốc trừ sâu. Mặc dù, chưa có nhiều kết quả quan trắc nhưng các bằng chứng trên phạm vi toàn cầu đề khẳng định về tác hại to lớn của ô nhiễm đôi với sức khỏe và năng suất. Nuôi trồng thủy sản - một ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam cũng là ngành gây ô nhiễm cao. Khung pháp lý cũng như các quy định về an toàn thực phẩm hiện có dường như chưa đủ để ngăn chặn các chất thải có hại xả ra từ các hồ/ lồng bè nuôi cá.

Do các hoạt động kinh tế, không có lưu vực sông nào của Việt Nam có nguồn nước mặt đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh của WHO dành cho nước uống. Các đoạn sông chảy qua các thành phố lớn bị ô nhiễm nặng – gây lãng phí nguồn tài nguyên, rủi ro cho sức khỏe con người và các hệ sinh thái tự nhiên. Mức độ ô nhiễm cao cũng hạn chế sự phát triển đô thị, sự phát triển bền vững và tương lai của ngành công nghiệp, nông nghiệp.

WB đưa ra cảnh báo, Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 12,4 – 18,6 triệu đô la mỗi ngày cho chi phí xử lý do ô nhiễm vào năm 2030 nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời.

Việt Nam đang nhanh chóng tiến tới một nước thu nhập trung bình. Nếu ngành nước muốn tiếp tục hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế quốc gia thì cần phải vượt qua ba thách thức quan trọng: Nâng cao hiệu quả sử dụng nước để đáp ứng nhu cầu nước ngày càng cao, đồng thời, nâng cao thu nhập trên mỗi đơn vị nước sử dụng; giảm các mối đe dọa do nước; và cải thiện quản trị nước - chính sách, thể chế và tài chính.

Dù cảnh báo như thế, nhưng dường như, những nguy cơ vẫn không thuyên giảm, mà còn có phần gia tăng!

Ngọc Lý