Phó Thủ tướng: Quyết liệt quản lý tàu thuyền đã vào nơi neo đậu
Trong nước - Ngày đăng : 10:30, 10/11/2020
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, mưa lũ kéo dài ở miền Trung thời gian qua cùng với lũ quét, sạt lở đất làm thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Ước tính, thiên tai vừa qua đã làm thiệt hại về tài sản lên đến 17.000 tỷ đồng.
Mặc dù cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đã tập trung các lực lược để ứng phó, sơ tán hàng trăm nghìn dân đã giúp giảm thiểu thiệt hại khi bão vào; tuy nhiên, bão đổ bộ gây lũ quét, sạt lở đất lại gây thiệt hại hết sức nặng nề.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ứng phó bão số 12 |
Theo nhận định, do ảnh hưởng của bão số 12, mưa to đến rất to sẽ xảy ra tại các tỉnh từ Quảng Trị - Khánh Hoà, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đe doạ an toàn của người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung “bốn tại chỗ” trong ứng phó, phòng chống thiên tai và cứu trợ nhân dân.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các lực lượng phối hợp với địa phương, tiếp tục rà soát để đảm bảo an toàn trên biển; chú ý đốc thúc liên lạc, kiểm tra các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản đảm bảo an toàn.
“Phải có biện pháp ngay quản lý tàu đã vào nơi tránh trú; tập trung quản lý những tàu thuyền đã vào nơi neo đậu để ứng phó với bão số 13”, Phó Thủ tướng nói.
Trên đất liền, bão vào gây mưa cộng mưa lũ hàng tháng qua, cùng với cơn bão số 13 sắp đổ bộ sẽ rất nguy hiểm, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương có kế hoạch sơ tán kiểm soát người dân ở nơi nguy hiểm: nhà cửa không an toàn, nơi lũ ngập sâu, vùng sạt lở, đặc biệt là các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, tập trung bảo vệ an toàn hồ đập, hồ đập có an toàn thì hạ du mới an toàn. Rà soát tất cả các hồ yếu, đảm bảo quy trình vận hành an toàn.
Nhấn mạnh sạt lở đất hết sức nguy hiểm, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng phải cơ động nhanh nhất đến những nơi bị sạt lở.
“Lực lượng rất đông nhưng chỗ cần không có, vì vậy phải tập trung đến những nơi bị nạn nhanh nhất để bảo vệ tính mạng người dân. Tăng cường tính chuyên nghiệp của lực lượng cơ sở”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm phát biểu tại cuộc họp. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Báo cáo tại cuộc họp, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, đã tổ chức bắn pháo hoa tại 32 điểm theo quy định của Chính phủ để thông báo cảnh báo bão. Về số tàu thuyền trên biển, hiện tất cả đã vào nơi tránh trú hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão.
Đơn vị này cũng cho biết đã di dời 2100 hộ/6.797 người ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Hiện vẫn tiếp tục rà soát các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét trên tuyến biên giới đất liền, các đồn trạm biên phòng để di dời kịp thời, đồng thời thông báo cho nhân dân các khu vực có nguy cơ bị sạt lở...
“Chúng tôi đã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất tại các đồn biên phòng để sẵn sàng đưa dân đến tránh trú bão, đảm bảo an toàn. Hiện Bộ đội Biên phòng đã duy trì 4.521 cán bộ, chiến sĩ với 1.191 phương tiện trực 24/24 giờ để chủ động phối hợp địa phương sẵn sàng sơ tán, xử lý các tình huống xảy ra” - Thiếu tướng Lê Quang Đạo cho biết.
Đại diện Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng cho biết đã huy động các lực lượng đóng quân trên địa bàn ảnh hưởng bão gồm hơn 251.000 người/16.000 phương tiện, bao gồm cả máy bay, trực thăng để sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo TWPCTT, tính đến 6 giờ ngày 10/11/2020, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.752 phương tiện/289.004 người. Hiện tất cả tàu thuyền đã vào nơi tránh trú hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão số 12.
Tính đến 16 giờ ngày 9/11, đã thông báo, kiểm đếm 926 tàu vận tải tại các vùng nước, cảng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, trong đó có 196 tàu biển và 730 phương tiện thủy nội địa.