Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước thích ứng BĐKH Đồng bằng sông Cửu Long

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 22:45, 09/11/2020

(TN&MT) - Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà cần phải xem xét để thực hiện sớm việc có một hệ thống về hạ tầng cấp nước, xử lý nước thải tập trung đối với Đồng bằng sông Cửu Long.

Liên quan đến an toàn nước ngọt Đồng bằng sông Cửu Long, đồng tình và thống nhất với ý kiến của Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Đoàn Cần Thơ) tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 9/11 về vấn đề nghiên cứu xây dựng các hồ chứa nước ngọt lớn để trữ nước nhằm điều tiết nước ngọt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước trong mùa khô hạn và hạn chế khai thác nguồn nước ngầm, xem nước ngầm là tài nguyên cần gìn giữ cho tương lai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đây hai vấn đề quan trọng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trong phiên họp chiều 9/11

Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười là những nơi rất thích hợp để tích trữ nước ngọt

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Từ góc độ về nước mặt, chúng tôi cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và chúng ta đã chuẩn bị hết sức bài bản. Đặc biệt, Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã đưa ra kế hoạch tổng thể, tầm chiến lược dài hạn nhằm phát triển bền vững đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu trước mắt cũng như lâu dài. Hiện nay, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP đang được các Bộ, ngành địa phương triển khai tích cực.

Trước mắt, tôi đồng tình với đại biểu rằng, Kế hoạch của Đồng bằng sông Cửu Long đã phân 3 ra vùng. Tức là chúng ta có các vấn đề về nước mặt, đó là nước mặt quá thừa vào mùa lũ, nước mặt quá ô nhiễm, nước mặt quá thiếu và xâm nhập mặn vào mùa khô.

“Chính vì vậy, để chuẩn bị các hồ chứa lớn ở những đoạn sông, theo chúng tôi, những khu vực như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười là những nơi rất thích hợp để chúng ta tích trữ nước ngọt” - Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng cần phải xem xét để thực hiện sớm việc có một hệ thống về hạ tầng cấp nước, xử lý nước thải tập trung đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Có như vậy, chúng ta mới giải quyết được bài toán “thuận thiên”- tức là phát triển ở vùng có nước và vùng chấp nhận sản xuất kinh tế với nước mặt và việc chuyển đổi quy mô lớn, đặc biệt là nông nghiệp thích ứng với các điều kiện nước ở đây là hết sức quan trọng.

Quản lý khai thác bền vững tài nguyên nước

Về vấn đề nước ngầm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, chúng ta có chưa nhiều, mới có khoảng 45% các dữ liệu nghiên cứu về nước ngầm ở khu vực này, trong đó, bản đồ là 1/50.000 chưa đủ để nói lên nhiều điều. Trong khi đó, thực trạng khai thác nước ngầm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long luôn quá mức, kèm theo ô nhiễm và hạ thấp mực nước ngầm...

Bộ trưởng cho rằng, chúng ta phải có số liệu giám sát thường xuyên và khai thác để đảm bảo bền vững, tức là giữa cung cấp nước với mức khai thác nước. Đồng thời, nên có những biện pháp để có thể bảo vệ, điều tra thật chuẩn xác, quản lý thật tốt mức khai thác nước, bảo vệ chất lượng nước. Cùng với đó, cũng cần có thêm các biện pháp về lâu dài như: sẽ phát triển nguồn nước ngầm hoặc thông qua mùa lũ nghiên cứu các phương án để cung cấp, bổ sung cho các tầng nước ngầm.

Kim Liên