Tan nát rừng dương ven biển, Quảng Ngãi khẩn trương phục hồi để giảm thiểu gió bão

Biển đảo - Ngày đăng : 09:49, 09/11/2020

(TN&MT) - Rừng phòng hộ ven biển từ bao đời nay được xem là “lá chắn xanh” bảo vệ cuộc sống, sản xuất cho người dân ở các xã bãi ngang ven biển Quảng Ngãi. Thế nhưng, bão số 9 kèm lốc xoáy đã làm gần 50% diện tích rừng phòng hộ ven biển bị bật gốc, gãy đổ.

Rừng dương phòng hộ ven biển thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi được người dân địa phương trồng hơn 100 năm nay. Thế nhưng cơn cuồng phong của bão số 9 đã khiến rừng dương tan hoang. Những cây dương ngã rạp, bị bẻ gãy hoặc bật gốc nằm ngổn ngang. Khung cảnh như một bãi chiến trường.

Ông Trần Xuân, xã Phổ An, thị xã Đức Phổ buồn bã cho biết, từ nhỏ đến giờ chưa khi nào thấy rừng dương tan hoang như vậy. Ông cho biết mấy ngày nay, chỉ một trận gió lớn thổi qua lập tức hơi biển và cát túa vào tận sân nhà.

Cơn cuồng phong của bão số 9 đã khiến rừng dương phòng hộ ven biển Quảng Ngãi trở nên tan hoang.

“Rừng dương cũng như một phần máu thịt của người dân ven biển. Rừng dương có tác dụng rất lớn, giúp chắn sóng, chắn gió, bảo vệ hoa màu, nhà cửa. Bao đời nay người dân ở đây đều nhắc nhở nhau gìn giữ khu rừng này nhưng bão số 9 làm cho hàng nghìn cây dương liễu bị gẫy đổ.”- ông Xuân cho hay.

Theo thống kê của UBND thị xã Đức Phổ, toàn thị xã có khoảng 200ha rừng dương ven biển bị bão số 9 phá hỏng. Địa phương đang lo lắng sẽ mất đi tấm lá chắn cát, gió ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của cư dân 4 xã ven biển phía bên trong.

Những cây dương ngã rạp, bị bẻ gãy hoặc bật gốc nằm ngổn ngang. Khung cảnh như một bãi chiến trường.

Ông Võ Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ cho biết, nhiều năm nay cộng đồng dân cư và Ban quản lý rừng phòng hộ bảo vệ nghiêm ngặt rừng dương này, tất cả các gốc cây đều được đánh số và ghi chép cụ thể. Bởi nếu không có rừng dương này thì khu vực phía trong có nguy cơ hoang hóa thành sa mạc cát trắng

“Chúng tôi đang lo lắng, nếu không kịp thời trồng thay thế thì rau màu, làng mạc của bà con sẽ cực kỳ nguy hiểm. Trước mắt, địa phương sẽ tiến hành kiểm kê cây gãy đổ đến đâu thì mình sẽ cưa cắt đoạn, bổ sung chất hữu cơ để tái sinh, sau đó sẽ tính toán đấy phương án trồng dặm bổ sung.”- ông Vương cho hay.

Nếu không kịp thời khắc phục, trồng thay thế thì rau màu, làng mạc của bà con phía trong sẽ thành sa mạc

Không chỉ riêng thị xã Đức Phổ, bão số 9 vừa qua đã khiến hầu hết các rừng dương phòng hộ ven biển dọc tỉnh Quảng Ngãi bị gãy, đổ. Yêu cầu cấp thiết hiện nay là, cùng với việc sớm ổn định đời sống người dân, chính quyền và các ngành chức năng cần có giải pháp phục hồi các rừng dương chắn sóng ở ven biển. 

Lan Anh -Võ Hà