Đông Hưng, Thái Bình: Cần làm rõ vi phạm trong việc bán đất ruộng trái phép tại xã Minh Tân
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 13:18, 07/11/2020
Qua tìm hiểu được biết, trên 6 mẫu ruộng, tương đương với gần 25.000m2 đất ruộng tại cánh đồng Chiếp, thuộc quyền sở hữu canh tác lâu đời của gần 30 hộ dân thôn Duy Tân. Toàn bộ diện tích ruộng này, trước đây được các hộ dân gieo cấy 2 vụ lúa/1 năm, cho năng suất cao.
Hơn 6 mẫu ruộng tại cánh đồng Chiếp của thôn Duy Tân, xã Minh Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã bị người dân chuyển nhượng trái phép. |
Thế nhưng, vì lợi ích kinh tế trước mắt, hàng chục hộ dân có đất ruộng khu đồng này đã ngang nhiên rao bán, chuyển nhượng trái phép, dẫn đến cánh đồng bị đào xới một cách công khai, làm thay đổi bề mặt các khu ruộng, mà không bị chính quyền xã ngăn chặn, xử lý, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo người dân địa phương cho biết, diện tích gần 25.000m2 đất ruộng này, đã được 22 hộ dân trong thôn Duy Tân, xã Minh Tân rao bán, chuyển nhượng trái thẩm quyền cho người dân thôn Quán Thôn, xã Hồng Việt, đây là xã giáp ranh với xã Minh Tân.
Việc mua bán, chuyển nhượng trái phép này diễn ra rầm rộ từ đầu năm 2020, nhiều người dân bức xúc và đã phản ánh đến UBND xã, tuy nhiên chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý, dẫn đến việc mua bán, chuyển đổi, cứ “mạnh ai nấy làm”.
Hiện trạng bề mặt cánh đồng bị đào đắp công khai. |
Hiện nay, các hộ dân tự chuyển đổi mua bán, đã cho máy xúc vào đào, múc đất, làm cho hiện trạng cánh đồng bị thay đổi rõ rệt, một bên thành ao, một bên thành vườn, phá vỡ mặt bằng canh tác, ảnh hướng rất lớn đến hoạt động sản xuất của các hộ có diện tích ruộng liền kề.
Ông Phạm Văn Hoài – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cho biết: Phòng đã nắm được thông tin và chỉ đạo trực tiếp xã. Theo báo cáo sơ bộ của lãnh đạo xã Minh Tân, thì UBND xã đã tiến hành xử lý, tuy nhiên báo cáo cụ thể hiện chưa có, UBND xã đang tiến hành các thủ tục theo quy định.
Ông Hoài cũng nhấn mạnh: Việc phát sinh mới như người dân đưa máy xúc vào đào đắp, thì địa phương phải giải quyết trước vì thẩm quyền giải quyết hành chính thuộc UBND xã. Phòng chuyên môn chỉ chỉ đạo chung.
Ông Hoài lý giải, Phòng Tài nguyên và Môi trường không có trách nhiệm phải nằm ở tất cả các địa phương, nên không thể phát hiện kịp thời các sai phạm được. Phòng chuyên môn cũng thường xuyên đôn đốc chỉ đạo, còn việc báo cáo của UBND xã, là xử lý chưa dứt điểm, có thể người dân chưa hợp tác, nên chưa có hiệu quả nhất định.
Ông Phạm Văn Hoài – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình (bên phải) xác nhận thông tin với phóng viên. |
Ông Hoài cũng cho biết thêm: Thời điểm mua bán, do người dân “chuyển nhượng ngầm” với nhau thì làm sao phòng chuyên môn nắm được, việc này trách nhiệm xã phải làm, chúng tôi chỉ đạo xã làm vấn đề đó.
Khi được hỏi về trách nhiệm để xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất ruộng trái phép trên, ông Phạm Văn Hoài nhấn mạnh: Tất cả các nội dung thông tin phản ánh, Phòng sẽ nắm lại từ địa phương để có chỉ đạo cụ thể; đồng thời xác định rõ trách nhiệm vi phạm của từng cá nhân, cũng như việc buông lỏng quản lý đất đai của chính quyền xã, vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó Đặc biệt, nếu có sự tiếp tay của lãnh đạo xã trong việc vi phạm này, huyện sẽ có những phương án xử lý triệt để.
Đề nghị UBND tỉnh Thái Bình, UBND huyện Đông Hưng nhanh chóng vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm khắc những cán bộ tiếp tay cho việc làm sai trái trên, đồng thời trả lại hiện trạng cánh đồng, ngăn chặn kịp thời tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất ruộng trái phép trong nhân dân.
Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!