Tham vấn quy trình tích hợp, lồng ghép nội dung BĐKH vào các chiến lược quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 06:37, 07/11/2020

(TN&MT) - Ngày 6/11, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (BĐKH) tổ chức Hội thảo tham vấn quy trình tích hợp, lồng ghép nội dung BĐKH vào các chiến lược quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh.

Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, ngành liên quan tại Hà Nội; đại diện các Sở:  TN&MT, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông vận tải, Xây dựng các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ và khu vực Đông bằng sông Hồng; đại diện lãnh đạo, các chuyên gia trong lĩnh vực BĐKH.

Theo báo cáo của Cục BĐKH, Chiến lược quốc gia về BĐKH đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 05/12/2011 tại Quyết định số 2139/QĐ-TTg. Trong đó đã đề cập tới nội dung “lồng ghép vấn đề về BĐKH trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng, địa phương; điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thiết kế công trình, cơ sở hạ tầng dựa trên các kịch bản BĐKH; thực hiện từng bước để đến năm 2030 hoàn thiện và ổn định các khu kinh tế bền vững, chống chịu an toàn với BĐKH”.

Toàn cảnh Hội thảo

Đối với các chiến lược, quy hoạch đã được phê duyệt trong thời gian 5 năm trở lại đây, mặc dù công tác lồng ghép BĐKH đã được quan tâm hơn ở tất cả các cấp, các ngành tuy nhiên vẫn còn ở mức độ nhất định.

Phân tích ở một số chiến lược hiện có cho thấy, khoảng 75% chiến lược có đề cập đến BĐKH ở phần quan điểm, song chỉ có 25% chiến lược xác định mục tiêu có liên quan đến BĐKH và khoảng 85% chiến lược có xác định giải pháp hoặc BĐKH được đề cập đến trong các giải pháp. Tuy nhiên cũng có chiến lược mặc dù ban hành sau Chiến lược quốc gia về BĐKH song lại không có bất cứ phần, mục, nội dung nào đề cập đến BĐKH mà việc lựa chọn phương án chủ yếu căn cứ vào nguồn lực, mức tác động đến môi trường nói chung.

Bên cạnh đó, hầu hết các chiến lược, quy hoạch vẫn xem xét, đề cập đến BĐKH như một khía cạnh của bảo vệ môi trường chứ không nhìn nhận như yếu tố riêng, trong khi BĐKH có tính chất bao trùm hơn và có tính liên ngành. Nhìn chung hàm lượng BĐKH trong hầu hết các chiến lược, quy hoạch còn khá hạn chế và chỉ đề cập đến cụm từ BĐKH nhiều hơn là việc xác định các giải pháp cụ thể do chưa có hướng dẫn một cách cụ thể.

Ông Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ tầng ô-dôn và Phát triển kinh tế các-bon thấp, Cục BĐKH phát biểu tại Hội thảo

Đề cập đến những lợi ích của việc lồng ghép BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, ông Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ tầng ô-dôn và Phát triển kinh tế các-bon thấp, Cục BĐKH cho rằng, việc lồng ghép BĐKH một cách toàn diện sẽ giảm các chi phí chồng chéo, gia tăng hiệu quả của các công trình, các giải pháp ứng phó với BĐKH đồng thời có thể tận dụng các cơ hội do BĐKH mang lại như việc phát triển các lĩnh vực mới (năng lượng tái tạo) và thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường.

Hơn nữa, lồng ghép vấn đề BĐKH vào quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch cũng là cách để tăng thêm hiệu quả nguồn lực tài chính thông qua việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó xây dựng được một xã hội có khả năng chống chịu với BĐKH.

Đặc biệt, nó cũng tạo điều kiện để các Bộ, ngành tăng cường các cơ hội phối hợp hành động thông qua hỗ trợ chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi thông tin qua đó đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong cả việc xây dựng chính sách và triển khai hành động.

Theo ông Hà Quang Anh, Cục BĐKH được Bộ TN&MT giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng hướng dẫn tích hợp, lồng ghép nội dung BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh”. Được sự giúp đỡ của các chuyên gia, sự phối hợp của các Bộ, ngành, các cơ quan có liên quan, cho đến nay Cục đã xây dựng được hướng dẫn trong đó xác định được các nội dung và quy trình tích hợp, lồng ghép BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch các cấp.

Hội thảo này có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp thu những đóng góp kinh nghiệm của các đại biểu đại diện cho các Sở, ban, ngành có liên quan để hoàn thiện Hướng dẫn tích hợp, lồng ghép nội dung BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh; là cơ sở khoa học và thực tiễn để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ một số vấn đề liên quan tới các nội dung BĐKH được tích hợp, lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh; tính khả thi của hướng tiếp cận tích hợp, lồng ghép nội dung BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh thông qua đánh giá môi trường chiến lược; quy trình các bước tích hợp, lồng ghép nội dung BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh; những vấn đề cần lưu ý để hướng dẫn tích hợp, lồng ghép nội dung BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch quốc gia.

Theo ông Lê Đức Chung, Chuyên gia về BĐKH, việc tích hợp, nội dung BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh được coi là cách tiếp cận khôn ngoan nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững và xây dưng các biện pháp ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả. Thông qua việc tích hợp các chính sách và biện pháp ứng phó với BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm sự ổn định trong các hoạt động đầu tư và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của các lĩnh vực do tác động của BĐKH. Trong đó, các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ BĐKH được coi là một phần không thể tách rời của các chính sách phát triển.

Còn theo ông Phan Ngụy Trường, Chuyên gia về BĐKH, các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ sẽ chỉ phát huy hiệu quả nếu tích hợp được với các chính sách, chiến lược phát triển. Đây là nguyên tắc quan trọng để thiết kế một chính sách hiệu quả nhằm đạt được cả lợi ích kinh tế, môi trường và ứng phó với BĐKH. Nếu không được tích hợp vấn đề BĐKH thì các chính sách rất khó có thể thích ứng kịp thời với BĐKH. Ngược lại, nếu các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ được tích hợp và thực hiện sớm thì sẽ giảm thiểu được những tổn thất, đặc biệt đối với các công trình hạ tầng kiên cố, vĩnh cửu.

 

Thủy Nguyễn