Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời thẳng thắn các vấn đề nóng trước Quốc hội
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 20:56, 06/11/2020
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội chiều 6/11 |
Luật BVMT (sửa đổi) sẽ kiểm soát chặt rác thải
Trao đổi về những vấn đề thách thức do ô nhiễm chất thải rắn, đặc biệt là chất thải sinh hoạt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ ngày 3/2/0219 đã có Nghị quyết 09 giao Bộ TN&MT chịu trách nhiệm thống nhất quản lý đối với chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có 35.000 tấn chất thải rắn đô thị và khoảng 28.400 tấn chất thải nông thôn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm, hiện nay, chúng ta có 381 lò đốt, 37 lò sản xuất phân Compost, chủ yếu hiện nay gần 1.000 bãi chôn lấp. Thời gian qua, chúng ta cũng bước đầu cải thiện là tăng mức thu gom đến 92% và 66%, tức là tăng khoảng từ 6% ở đô thị đến 15% ở nông thôn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng chỉ ra rằng, việc chôn lấp gây ảnh hưởng tới tài nguyên nước, trong đó, vấn đề lãng phí, cạn kiệt tài nguyên. Bởi vì, rác chưa được coi là tài nguyên, chưa tiến hành tái chế và công nghệ, chưa đáp ứng yêu cầu.
Từ đó, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, trong Luật Bảo vệ môi trường đã định chế rất rõ ràng là ngay từ đầu tư hạ tầng xây dựng, phải tính toán đến quy hoạch các bãi rác và các điểm trung chuyển rác.
Đồng thời, liên quan đến định chế này, đó là coi rác là tài nguyên, khuyến khích việc người dân sẽ phân loại rác và có chính sách khuyến khích tái chế, tái sử dụng rác.
Hiện nay, Thủ tướng đã có chỉ đạo và đã huy động được một lực lượng liên minh các doanh nghiệp tham gia vào liên minh về tái chế rác, đặc biệt là rác nhựa. Cùng với đó, là chính sách kinh tế về rác, xác định trách nhiệm của người gây ô nhiễm thì phải trả tiền và việc này đã có quy định ở trong luật.
Tiếp đó là xác định người dân sẽ tham gia vào công tác phân loại. Nhà nước sẽ hỗ trợ phần kể cả thu gom, kể cả phần xử lý, bên cạnh đóng góp của người dân ban đầu.
“Cuối cùng là xác định các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với công nghệ cũng như xác định các việc xử lý rác là một dịch vụ sẽ tiến hành đấu giá.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Các vị Đại biểu Quốc hội chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng bên hành lang Quốc hội |
Định giá đất đai minh bạch để giảm khiếu nại tố cáo
Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Văn Hòa về vấn đề khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thống nhất rằng, vấn đề khiếu nại, tố cáo là một vấn đề bức xúc trong một thời kỳ khá dài. Hiện nay, chỉ số liên quan đến bức xúc và khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn ở con số cao nhất, khoảng trên 60%.
Bằng nhiều biện pháp của Chính phủ, Bộ trưởng cho biết, vấn đề khiếu nại tố cáo đã giảm đi rất nhiều. Trong đó, thông qua Luật Đất đai 2013 với các quy trình, thủ tục hết sức bài bản đã so sánh và chỉ ra rằng, các vụ kiện cáo đông người và phức tạp chủ yếu tồn tại từ giai đoạn trước của luật, trước năm 2003 tức là Luật Đất đai năm 2003 trở đi.
Bởi vì liên quan đến vấn đề định giá, liên quan đến các trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tái định cư chưa đáp ứng thỏa đáng.
Bộ trưởng cho biết, nhóm này tập trung vào khu vực mà Nhà nước thu đất đai để thực hiện các công trình kinh tế - xã hội, dân sinh…
Luật Đất đai năm 2003 mặc dù vẫn còn nhiều tồn tại nhưng hiện nay đã giải quyết giảm đi khoảng trên 30 - 40% khiếu nại, chủ yếu là giải quyết khiếu nại trước 2003.
Còn từ 2013 đến nay, có một bộ phận giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai nông, lâm trường. Vấn đề này tồn tại cũng do vấn đề cơ sở dữ liệu, các tài liệu của chúng ta quản lý, vấn đề quản lý lỏng lẻo các công ty nông, lâm trường, liên quan đến lợi ích của những công trường viên, nông trường viên, những người trước đây có quỹ đất đai cùng đóng góp tham gia.
Toàn cảnh Quốc hội chiều 6/11 |
“Việc này hiện nay chúng tôi cũng đã xác định bằng nghị quyết cũng như là nghị định của Chính phủ đang từng bước để giải quyết thông qua việc xác lập lại cơ sở liệu, cũng như xem xét để thay đổi cơ cấu tổ chức của các nông, lâm trường này hiệu quả, đồng thời xem xét những khu vực tranh chấp để giải quyết triệt để.” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị cần phải xem xét một cách toàn diện, cụ thể vấn đề kinh tế đất đai và vấn đề định giá đất đai để giải quyết những tồn tại hiện nay và kiện toàn Luật Đất đai
Bộ trưởng cho biết, nếu Nhà nước xác định được định giá đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai một cách minh bạch, đồng thời giải quyết thỏa đáng vấn đề đầu tư để nhà nước quy hoạch, chuẩn bị hạ tầng và chuẩn bị đất sạch thì khi đó sẽ có kinh phí và chuẩn bị thật tốt khâu tái định cư cũng lo sinh kế cho người dân và khi giá đất đai công khai thì người dân đều hiểu và sẽ ủng hộ.
Trên cơ sở này, dự án Nhà nước thu hồi hay dự án tư nhân thu hồi cũng đều đảm bảo một sự công bằng, thỏa đáng.
Rừng cung cấp cuộc sống con người
Trả lời câu hỏi của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp về tác động của thủy điện nhỏ đến việc thiên tai, mất rừng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, không nói thủy điện nhỏ không phải nguyên nhân, mà là chúng ta không tận dụng được thủy điện một cách thân thiện môi trường như nhiều quốc gia văn minh khác.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội chiều 6/11 |
So sánh về câu hỏi của đại biểu hỏi tôi Bộ trưởng rừng quan trọng thế nào so với trời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, rừng quan trọng bởi rừng cung cấp cuộc sống cho con người bằng việc lọc khí CO2, cung cấp oxi. Rừng là nơi cung cấp 70% các loài tài nguyên, rừng là nguồn sinh thuỷ; rừng là những gì hết sức thiêng liêng, “trong chiến tranh thì rừng che bộ đội”…
Bộ trưởng nhấn mạnh lại phần phát biểu của mình trong phiên thảo luận ngày 5/11, rằng thủy điện không phải là nguyên nhân mà thủy điện là hậu quả do việc chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên không dựa vào quy luật tự nhiên. “Việc này chúng ta có thể khắc phục được.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho rằng, mất rừng không có nghĩa là do thủy điện, đồng thời nhấn mạnh mất rừng là do con người có tư duy sai trái khi "trong nhà dùng toàn đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã”.
Bộ trưởng cho biết Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT sẽ xem xét cùng Quốc hội, rà soát từng m2 đất bị chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đối với những nơi nào không còn rừng mà chức năng của nó là phòng hộ thì phải phục hồi.