Tập huấn “An toàn thông tin cho các nhà báo trong môi trường số”
Xã hội - Ngày đăng : 15:20, 06/11/2020
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí chia sẻ tại hội nghị tập huấn |
Theo Ban tổ chức, Hội nghị tập huấn lần này nằm trong khuôn khổ “Đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 19/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua đó, Cục Báo chí được lãnh đạo Bộ TTTT giao nhiệm vụ tổ chức các khóa tập huấn về an toàn thông tin nhằm giúp các nhà báo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ, hậu quả và trách nhiệm trong vấn đề mất an toàn thông tin; đồng thời trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản để các nhà báo bảo vệ thông tin và bản quyền các tác phẩm báo chí của chính bản thần mình.
Tại Hội nghị tập huấn, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí và ông Vũ Việt Hùng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kiểm định, Trung tâm VNCERT/CC Cục An toàn thông tin (Bộ TTTT), đã chia sẻ các thông tin cho các nhà báo khi tác nghiệp trong môi trường số với các chuyên đề: Nguy cơ đối với báo chí trên môi trường mạng; Giải pháp tăng cường an toàn tác nghiệp cho nhà báo trong môi trường số.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn "An toàn thông tin cho các nhà báo trong môi trường số" |
Theo đó, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi số trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội hiện nay. Từ đó, các chuyên gia đã đưa ra nhận định, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhà báo đang phải đối mặt với việc có thể bị giám sát, bị khai thác phần cứng và phần mềm, tấn công lừa đảo, tấn công bằng tên miền giả mạo,...
Vì vậy, việc trang bị kỹ năng bảo vệ thiết bị khỏi phần mềm độc hại, bảo vệ thông tin khỏi các mối đe dọa, giúp nhà báo đảm bảo an toàn thông tin, nguồn tin, tác phẩm báo chí, dữ liệu cá nhân khi tác nghiệp trong môi trường số là hết sức quan trọng.
Từ việc nhận diện nguy cơ, các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến cáo, nguy cơ và thách thức, cũng như tác động đối với nhà báo khi tác nghiệp trong môi trường số; phát triển khả năng thích ứng một cách chủ động, linh hoạt của nhà báo, giảm thiểu các nguy cơ đe dọa mất an toàn khi tác nghiệp.
Đồng thời, sàng lọc thông tin, bảo vệ bản thân và dữ liệu khi sử dụng các trang mạng xã hội; các giải pháp phòng ngừa, khắc phục, xử lý vấn đề khi nhà báo bị mạo danh để phát tán thông tin sai sự thật, mất mật khẩu email, facebook, lộ nguồn tin... góp phần tăng cường an toàn tác nghiệp cho nhà báo trong môi trường số.