Sử dụng vật liệu xây không nung nhằm bảo vệ môi trường

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 15:17, 06/11/2020

(TN&MT) - Ngày 6/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung và Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Lưu Nguyên Sơn

Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Phạm Văn Bắc; đại diện các cục, vụ, viện trực thuộc Bộ Xây dựng; đại diện lãnh đạo một số cục, vụ, viện thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tài chính; Bộ Giao thông vận tải...

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong những năm qua, ngành công nghiệp vật liệu xây dựng không ngừng phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng từ 8-10% năm. Nhu cầu vật liệu xây cũng tăng qua các năm. Nếu vào năm 2010, nhu cầu vật liệu xây khoảng mới ở khoảng 17 tỷ viên QTC (với tỷ lệ gạch đất nung 92-95%, gạch không nung 5-8%); thì đến năm 2020, nhu cầu sử dụng vật liệu xây tăng lên đến hơn 30 tỷ viên (QTC). Do vậy, nếu tiếp tục sử dụng gạch đất nung với tỷ lệ lớn sẽ tiêu tốn nhiều đất sét, nhiên liệu than và gây ô nhiễm môi trường.

Trước tình hình đó, ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020. Quyết định với các mục tiêu cơ bản là phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 20-25% vào năm 2015, 30-40% vào năm 2020; Hàng năm sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp như tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao… để sản xuất VLXKN, tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải; Tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết, trong những năm qua, nhiều nhà máy nhiệt điện đốt than đã được đầu tư xây dựng tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong quá trình hoạt động, những nhà máy này thải ra lượng rất lớn tro, xỉ. “Lượng phát thải tro, xỉ hiện nay của 25 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động trên cả nước là khoảng 14-16 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 80% là tro bay. Các bãi chứa tro, xỉ đang dần chiếm diện tích đất rất lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.

Xuất phát từ thực trạng này, ngày 12/4/2017 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ thạch cao phát thải các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất làm vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng.

Đề án đặt ra các mục tiêu cơ bản như xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao đảm bảo đáp ứng lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón nhỏ hơn tổng lượng phát thải của 2 năm sản xuất. Đến năm 2020, xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng đạt khoảng 52% tổng lượng tích luỹ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, triển khai thực hiện các Quyết định này, Bộ Xây dựng đã chủ động ban hành văn bản số 895/BXD-VLXD và số 896/BXD-VLXD ngày 1/6/2012 gửi các bộ ngành và UBND các tỉnh nhằm đôn đốc các địa phương thực hiện Chương trình 567; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản 8616/VPCP-CN ngày 10/9/2018 về việc thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch đất sét nung theo công nghệ lạc hậu. Đồng thời, ban hành Quyết định 890/BXD ngày 29/07/2015 về việc phê duyệt chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2015-2020 “Nghiên cứu phát triển vật liệu xây và cấu kiện không nung cho công trình xây dựng đến năm 2020”; Tổ chức thực hiện 19 đề tài nghiên cứu, 01 đề án điều tra khảo sát chuyên đề phục vụ Chương trình 567.

Sau 10 năm triển khai các nhiệm vụ được giao trong Quyết định 567 và gần 4 năm thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Quyết định 452 của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như năng lực sản xuất VLXKN đạt 9,4 tỷ viên QTC/năm chiếm 30% tổng lượng gạch xây; công nghệ sản xuất VLXKN ngày càng hiện đại; chất lượng sản phẩm VLXKN ngày càng được nâng cao; chủng loại, mẫu mã sản phẩm VLXKN ngày càng phong phú đa dạng đáp ứng nhu cầu thi trường. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước đã chủ động trong việc chế tạo các dây chuyền thiết bị sản xuất VLXKN với giá cạnh tranh với dây chuyền, thiết bị nhập khẩu.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đã trình bày báo cáo tổng kết thực hiện 2 Quyết định số 567/QĐ-TTg và Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận chia sẻ về các lĩnh vực như: Hoạt động khoa học công nghệ đóng góp vào chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung của Chính phủ; Hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm và thi công lắp dựng tấm tường acotec-Xuân Mai; Sản xuất, sử dụng tấm tường bê tông khí chưng áp; Sản xuất thạch cao PG từ bã thải thạch cao tại nhà máy DAP Đình Vũ...

Lưu Nguyên Sơn