Khởi động kế hoạch ứng phó lũ lụt, kêu gọi viện trợ miền Trung

Xã hội - Ngày đăng : 15:17, 06/11/2020

(TN&MT) - Kế hoạch Ứng phó với lũ lụt tại Việt Nam được khởi động và kêu gọi 40 triệu USD để cung cấp viện trợ nhân đạo tại các tỉnh miền Trung sau đợt lũ lụt lịch sử.

Trong tháng 10/2020, ước tính đã có khoảng 1,5 triệu người bị ảnh hưởng bởi những trận mưa lớn xối xả, lũ lụt trên diện rộng và sạt lở đất do 5 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào miền Trung Việt Nam.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, tính đến 6/11, hơn 550 người đã bị thiệt mạng hoặc mất tích, bị thương, gần 390.000 ngôi nhà bị ngập và hơn 300.000 gia đình phải sơ tán. Nhiều người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng đã bị mất gần như toàn bộ tài sản hoặc nhà cửa, lương thực, vật nuôi và hoa màu, trong đó, những người dễ bị tổn thương nhất phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Miền Trung bị tàn phá nặng nề do mưa lũ

Ngày 31/10/2020, cùng với sự tham vấn chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc cùng với Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, thay mặt Nhóm Quản lý Thiên tai đã đưa ra Kế hoạch Ứng phó với lũ lụt ở Việt Nam năm 2020, nhằm tìm kiếm huy động 40 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ 177.000 người dân thuộc nhóm những người dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ lụt ở các tỉnh miền Trung. Kế hoạch này được thiết kế cho khoảng thời gian 6 tháng nhằm giải quyết cả nhu cầu nhân đạo tức thời, đồng thời, thực hiện một số hoạt động phục hồi sớm.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc cho biết, Liên Hợp Quốc, các đối tác cứu trợ nhân đạo và Hội Chữ thập đỏ đang tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Họ cần được hỗ trợ để được cứu sống ngay lập tức, cũng như những hỗ trợ phục hồi để giúp họ xây dựng lại cuộc sống và sinh kế.

Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi sự hỗ trợ và cứu trợ khẩn cấp của quốc tế. Các cơ quan Chính phủ - Liên Hợp Quốc – Tổ chức phi Chính phủ đã thực hiện đánh giá chung tại 5 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Kết quả các đánh giá cho thấy, cần thiết phải cung cấp các hỗ trợ đa ngành cho 177.000 người dễ bị tổn thương nhất ở các khu vực bị ảnh hưởng. Ước tính có khoảng 153.000 trẻ em cũng có nguy cơ phải nghỉ học do trường học bị hư hại và các em khẩn cấp cần được hỗ trợ các đồ dùng giáo dục (đồ dùng cho vệ sinh và các thiết bị cho việc học trực tuyến).

Đặc biệt là tại các địa điểm sơ tán - những nơi hiện đang rất thiếu các nguồn cung cấp để đáp ứng các nhu cầu cơ bản về cả tiếp cận với nước sạch và các công trình vệ sinh, khiến người dân có nguy cơ cao ốm đau và bệnh tật. Mặc dù, trong hơn hai tháng qua, không có trường hợp lây truyền COVID-19 trong nước được báo cáo ở Việt Nam, nhưng các nỗ lực vẫn đang được tiến hành để đảm bảo các biện pháp phòng ngừa cần thiết, được áp dụng tại tất cả các địa điểm sơ tán nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả COVID-19. Các hoạt động bảo vệ, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái cần thiết cho những người sống ở các địa điểm sơ tán này.

Chính phủ cũng yêu cầu tất cả các hoạt động cứu trợ hướng đến những người dễ bị tổn thương nhất như: phụ nữ, phụ nữ là chủ hộ gia đình, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, người nghèo và người cận nghèo.

“Nhiều người đã đang phải chịu áp lực kinh tế do đợt COVID-19 thứ hai tấn công miền Trung Việt Nam. Lại thêm những trận lũ lụt này đã khiến người dân lâm vào cảnh điêu đứng”, ông Kamal Malhotra nói.

Ông Kamal Malhotra khẳng định, một khi nhu cầu cứu sống ngay lập tức đã được giải quyết, hơn bao giờ hết, chúng ta phải ưu tiên mối quan hệ nhân đạo - phát triển để giúp những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất phục hồi; đồng thời, hỗ trợ tất cả các cộng đồng ở Việt Nam, giúp họ tăng khả năng chống chịu, thích ứng với khí hậu và có khả năng phục hồi tốt hơn.

Khải Minh