Đề xuất quy hoạch hồ trữ nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 23:16, 05/11/2020

(TN&MT) - “Việc trữ nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là giải pháp tối ưu cần phải tính tới cho kế hoạch dài hạn của Chính phủ”, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề xuất.

Quan tâm vấn đề phòng, chống hạn mặn, phát triển bền vững ĐBSCL tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, thời tiết diễn biến thất thường, thiên tai khó lường, sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là điều rất hiện hữu, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sinh kế, hoạt động sản xuất của gần 20 triệu dân trong vùng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: QH

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành có quan tâm đầu tư khắc phục lâu dài, cần tính tới quy hoạch hồ trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. “Bởi vì vào mùa mưa lũ đầu nguồn hàng năm, nước ngọt tuôn ra biển không ngăn được, rất lãng phí, mùa khô lại hạn hán, thiếu nước, nước biển xâm nhập, do đó, việc trữ nước ngọt là giải pháp tối ưu cần phải tính tới cho kế hoạch dài hạn của Chính phủ”, ông Hòa phân tích.

Liên quan đến nội dung này, để giúp cho đồng bào vùng ĐBSCL khắc phục được những điểm nghẽn, khó khăn và đồng hành cùng các vùng, miền trong cả nước trong xu hướng phát triển, đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (đoàn Sóc Trăng) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm các dự án cấp bách cũng như dài hạn.

Theo đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào, mùa khô năm 2020 ở khu vực ĐBSCL chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử, được Chính phủ quan tâm, quyết liệt vào cuộc, cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng chung tay phòng, chống hạn, mặn nên mức độ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh được giảm thiểu đáng kể. Đặc biệt là Quyết định số 504 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn mặn, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL đã kịp thời hỗ trợ cho 530 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 cho 7 địa phương để thực hiện các giải pháp cấp bách.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 36 về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô giai đoạn 2020 - 2021 ở ĐBSCL.

“Chính phủ đôn đốc triển khai sớm vì vụ mặn năm 2021 đã đến, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của hơn 70.000 hộ dân tại 7 tỉnh phía Nam sông Hậu. Trước mắt là các dự án cấp bách như bơm nước, nạo vét cửa sông, kênh, mương trữ ngọt”, đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào đề xuất.

Về lâu dài, đại biểu cho rằng, cần bố trí vốn trong giai đoạn 2021 - 2025, để đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động, kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, xây dựng hạ tầng thủy sản, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung tại 3 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và Sóc Trăng.

P.Lan