New Delhi hứng chịu không khí độc hại nhất trong năm, gia tăng lo ngại về COVID-19
Thế giới - Ngày đăng : 23:13, 05/11/2020
Nhân viên bảo vệ đứng trên đỉnh của một tòa nhà giữa sương khói dày đặc ở New Delhi, Ấn Độ vào ngày 4/11/2020. Ảnh: Reuters |
Đại dịch COVID-19 đang hoành hành, với hơn 400.000 ca nhiễm ở New Delhi - thành phố 20 triệu dân, làm tăng mức độ báo động về sự nguy hiểm đối với sức khỏe do không khí ô nhiễm gây ra, trong khi các bác sĩ cảnh báo về sự gia tăng mạnh các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Ông Arvind Kejriwal, Thủ hiến của Delhi cho biết: “Tại thời điểm này ở Delhi, dịch bệnh COVID-19 và ô nhiễm đang gây ra một sự tàn phá lớn. Khói đang bao phủ khắp không khí, khiến tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn”.
Theo WHO, các hạt PM2.5 gây chết người có đường kính nhỏ hơn 2,5 micron, có thể đi xuyên qua phổi và xâm nhập vào máu, gây ra các bệnh tim mạch và hô hấp, trong đó có ung thư phổi.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Delhi thường trầm trọng hơn vào tháng 10 và tháng 11 do nông dân đốt rơm rạ ở các bang xung quanh, khói bụi giao thông và những ngày không có gió.
Ngày 5/11, cơ quan giám sát thời tiết và chất lượng không khí liên bang đã ghi nhận 4.135 vụ cháy trang trại - mức cao nhất trong mùa. Một số người cho rằng pháo nổ trong một lễ hội của người Hindu vào ngày 4/11 đã làm vấn đề nghiêm trọng hơn.
Tại Delhi, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình là 370 microgam trên một mét khối không khí so với giới hạn an toàn theo quy định của WHO là 25 microgam trên một mét khối. Chỉ số chất lượng không khí tổng thể (AQI), bao gồm các chất ô nhiễm khác ngoài hạt PM2.5, tăng đến hơn 460 trên thang điểm 500, mức tồi tệ nhất kể từ ngày 14/11/2019.
Nếu chất lượng không khí ở mức nghiêm trọng trong 48 giờ, các nhà chức trách có thể cấm các phương tiện đi vào Delhi, đóng cửa công trình xây dựng và áp dụng giải pháp cho xe ô tô biển chẵn/lẻ lưu thông theo ngày nhằm giảm một phần hai phương tiện này lưu thông trên đường.