Hoàn thiện pháp luật tài nguyên môi trường biển phù hợp với tình hình mới
Biển đảo - Ngày đăng : 23:09, 05/11/2020
Tuy vậy, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, rất cần một hệ thống pháp luật tài nguyên môi trường (TNMT) biển, đảo bắt kịp với những tư duy chỉ đạo mới, thúc đẩy nền kinh tế biển phát triển bền vững.
Điều tra, rà soát, đánh giá chính xác văn bản pháp luật hiện hành
Để quản lý tổng hợp, thống nhất TNMT biển, đảo, ngày 25/6/2015, tại Kỳ họp thứ 9 Khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Qua gần 4 năm triển khai thực hiện, Luật có thể khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường B&HĐ. Có thể nói, các quy định của Luật tài nguyên, môi trường B&HĐ và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý Nhà nước về B&HĐ ở nước ta; giúp khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái B&HĐ; phục vụ phát triển bền vững B&HĐ.
Tuy vậy, cũng có thể nhận thấy, còn một số nhiệm vụ theo quy định chưa được triển khai hoặc triển khai chưa đầy đủ, toàn diện như: công tác thống kê tài nguyên B&HĐ; lập và triển khai thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên B&HĐ; định kỳ quan trắc và đánh giá hiện trạng chất lượng nước, trầm tích, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của các khu vực biển và hải đảo; điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường của các khu vực biển; công bố các khu vực biển, hải đảo không còn khả năng tiếp nhận chất thải; phân vùng rủi ro và lập bản đồ phân vùng ô nhiễm; lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường B&HĐ; công khai các vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển; phân loại hải đảo... rất cần có sự rà soát, đánh giá chính xác.
Cần một hệ thống pháp luật TNMT biển, đảo thúc đẩy nền kinh tế biển phát triển bền vững. Ảnh: MH |
Những nội dung mới cần thiết lập
Ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết quan trọng, cấp thiết, mang tính thời đại của Đảng trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước liên quan đến biển, đảo diễn biến phức tạp; đặt ra yêu cầu đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước; tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương. Xuyên suốt Nghị quyết là phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh. Nghị quyết đề ra 5 chủ trương lớn về phát triển kinh tế biển và ven biển. Nghị quyết xác định 3 khâu đột phá mà một trong số đó là hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển.
Nghị quyết số 74/2018/QH14 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, tại điểm 11 Điều 1 đã giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 5/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Trong đó cũng đã đề ra nhiều nội dung, giải pháp hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Do đó, việc thực hiện nhiệm vụ Điều tra, khảo sát, đánh giá phục vụ việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo: các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật tài nguyên, môi trường B&HĐ (Nghị định số 40/2016/NĐ-CP; Nghị định số 41/2016/NĐ-CP,...); những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn (quy định về lấn biển, giá trị quyền sử dụng khu vực biển...)” là rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực nhằm đáp ứng việc quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững trong thời kỳ mới.