TP.HCM triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai
Môi trường - Ngày đăng : 10:51, 05/11/2020
Cải thiện chất lượng môi trường nước
Theo Báo cáo của Văn phòng Ủy ban BVMT lưu vực để sông Đồng Nai, kết quả quan trắc mới nhất các vị trí trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai khu vực chảy qua địa bàn TP.HCM cho thấy, chất lượng nước tại các vị trí lấy nước cấp sinh hoạt đều đạt quy chuẩn sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột A. Riêng đối với sông Sài Gòn, diễn biến chất lượng nước mặt từ năm 2016 - 2020 cho thấy hàm lượng ô nhiễm hữu cơ (COD và BOD5) không tăng nhiều.
Bên cạnh đó, đa số các chỉ tiêu quan trắc đều có xu hướng giảm cộng với nồng độ oxy hòa tan (DO) có xu hướng tăng tại hầu hết các điểm quan trắc (67 - 100% số điểm quan trắc) chứng tỏ môi trường nước được cải thiện nhiều. Kết quả tính toán chỉ số chất lượng nước WQI cũng cho thấy tại các điểm quan trắc khu vực sông Sài Gòn có chỉ số WQI từ 70 - 95, cho thấy chất lượng nước tốt phù hợp cho mục đích sử dụng là cấp nước sinh hoạt nhưng cần có biện pháp xử lý phù hợp.
Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm tại khu vực Kênh Ba Bò và Suối Nhum - Suối Cái thuộc địa bàn giáp ranh giữa TP.HCM với tỉnh Bình Dương; Kênh Thầy Cai - Cần Giuộc giáp ranh với tỉnh Long An vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, còn dấu hiệu ô nhiễm. Ngoài ra, hoạt động khai thác, nạo vét cát trái phép trên sông, đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa các địa phương như: Sông Sài Gòn, Sông Đồng Nai, Sông Đồng Tranh và vùng biển Cần Giờ vẫn còn chưa được quản lý hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Triển khai Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, đến nay, TP.HCM đã hoàn thành xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003 của Chính phủ (37/37 cơ sở) và Quyết định số 1788/2013 của Chính phủ (3/3 cơ sở). Đến nay, TP.HCM đã hoàn thành việc kết nối truyền nhận dữ liệu quan trắc nước thải tự động liên tục về nước thải đối với 39 đơn vị ngoài khu công nghiệp và 18 khu công nghiệp. Hằng năm, Sở TN&MT TP.HCM thực hiện quan trắc 24 vị trí quan trắc chất lượng nước trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai.
TP.HCM cũng đã ký kết và triển khai có trách nhiệm “Quy chế phối hợp về Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và BVMT ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa TP.HCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang, tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng. TP.HCM cũng tăng cường phối hợp với tỉnh Đồng Nai để thực hiện vớt, xử lý lục bình, khai thông dòng chảy trên các tuyến sông giáp ranh; phối hợp với tỉnh Bình Dương để giải quyết tình trạng ô nhiễm trên kênh Ba Bò.
TP.HCM triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai |
Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp trong công tác BVMT nói chung, Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nói riêng. Theo đó, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai thực hiện việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương và chương trình Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; tiếp tục rà soát, đề xuất danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị; đôn đốc cơ sở hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm hoặc di dời theo đúng thời hạn.
Đồng thời, TP.HCM sẽ đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động, tăng cường công tác quan trắc, tích hợp lên cổng thông tin quan trắc môi trường và ứng dụng trên nền tảng di dộng, có thể truy cập, truy xuất và theo dõi dữ liệu quan trắc môi trường thông qua điện thoại thông minh; tiếp tục cập nhật dữ liệu vào Phần mềm Quản lý cơ sở dữ liệu môi trường, hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về môi trường.
TP.HCM cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, tránh trường hợp đổ bỏ không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường; triển khai Chương trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND của UBND TP.HCM; hoàn thành Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/2000 các Khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tập trung mời gọi, tạo cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội của các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, xây dựng đúng tiến độ các nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung theo quy hoạch của thành phố; kết hợp đầu tư nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung theo các cụm lưu vực thoát nước và áp dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, hiện đại nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án xử lý nước thải đô thị theo công nghệ hiện đại, kể cả cải tạo các khu xử lý nước thải đang thực hiện với phương châm công khai, minh bạch.
Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân về BVMT cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố; tích hợp biến đổi khí hậu vào tất cả các chương trình tuyên truyền hiện nay của các Sở, ngành và quận, huyện; tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền và từng bước xã hội hóa công tác truyền thông về biến đổi khí hậu.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, Nguyễn Thị Thanh Mỹ, để triển khai thực Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, các địa phương trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cần có giải pháp tăng chất lượng trong công tác phối hợp. Theo đó, các địa phương cần chủ động và ký kết cụ thể các nhiệm vụ trên từng địa bàn để phù hợp với hiện trạng quản lý môi trường, tài nguyên. UBND các tỉnh, thành cũng cần chỉ đạo UBND các quận, huyện giáp ranh các tỉnh, thành có chương trình công tác phối hợp chi tiết đối với từng nhiệm vụ cụ thể của từng địa bàn, như các nội dung phối hợp trong đấu tranh, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và BVMT. Theo đó, cần xóa bỏ hạn chế về ranh giới hành chính trong quá trình kiểm tra, xử lý các vi phạm hành chính ở khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.