Ứng phó sự cố tràn dầu trên biển ở Quảng Nam: Còn nhiều vướng mắc

Môi trường - Ngày đăng : 14:39, 04/11/2020

(TN&MT) - Quảng Nam là địa phương ven biển tiềm ẩn nhiều nguy cơ tràn dầu và đã từng xảy ra nhiều sự cố tràn dầu trên biển. Thế nhưng, công tác ứng phó với sự cố này còn gặp nhiều vướng mắc.

Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm biển

Quảng Nam là một tỉnh ven biển thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm miền Trung với chiều dài bờ biển 125km. Khu vực ngoài khơi của tỉnh là nơi có nhiều tuyến hàng hải đi qua; đã và đang triển khai nhiều hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí; phía Nam của tỉnh là Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quốc với khoảng 6,5 triệu tấn dầu thô nhập vào và các sản phẩm xăng dầu chế biến từ Nhà máy được xuất đi khắp nơi… Có thể thấy, nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là rất cao, là mối đe dọa lớn đến các nguồn lợi quan trọng của tỉnh là kinh tế biển và du lịch.

Dầu vón cục trôi dạt vào bờ biển xã Tam Thanh vào đầu năm 2020

Từ năm 2016 đến nay, vùng biển Quảng Nam đã có 3 sự cố tràn dầu trên biển. Vào tháng 2/2017 trên địa bàn tỉnh xuất hiện dầu vón cục trôi dạt vào bờ biển huyện Núi Thành, sau khi tiếp nhận thông tin Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã lập đoàn khảo sát sự cố và nhanh chóng phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh tiến hành thu gom xử lý dầu vón cục trôi dạt theo đúng quy định. Khối lượng rác thải nguy hại gồm dầu vón cục và rác thải dính dầu là 8,277 tấn; khối lượng rác thải thông thường là 16,92 tấn.

Gần đây nhất, sự cố dầu vón cục liên tục tấp vào bờ biển Tam Thanh, TP.Tam Kỳ tạo thành vón rải rác trên phạm vi bờ biển dài hơn 7km từ thôn Hòa Hạ đến Tỉnh Thủy vào đầu năm 2020 , lại một lần nữa cho thấy vùng biển từ Hội An đến Núi Thành những năm qua dễ trở thành “vịnh” chứa chất thải nguy hại. 

Vướng mắc trong ứng phó

Từ năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành quyết định quy định hoạt động ngăn ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn Quảng Nam. Theo đó, yêu cầu công tác ứng phó sự cố tràn dầu phải được triển khai một cách nhanh chóng, kịp thời; các đơn vị tham gia ứng phó phải phối hợp chặt chẽ dưới sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản và môi trường do sự cố tràn dầu gây ra.

UBND tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở TN&MT tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu; được quyền điều động tất cả lực lượng được quy định. Các cơ sở mỗi năm tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu tại cơ sở ít nhất một lần. Tất cả tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc gây ra sự cố tràn dầu phải nhanh chóng thông báo đến cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin để Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Sở TN&MT tỉnh chuẩn bị lực lượng và phương án ứng phó.

Quảng Nam diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu (ảnh T.H)

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi được Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh, Sở TN&MT đã tổ chức phổ biến Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và Bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ tỉnh Quảng Nam cho đại diện các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức tập huấn tuyên truyền về quản lý tổng hợp vùng bờ cho cán bộ xã, các Hội, đoàn thể của 16 xã ven biển. Hằng năm, Sở TN&MT thành lập Đoàn kiểm tra về kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và tình hình thu gom chất thải từ dầu của các cơ sở, dự án trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên theo bà Hạnh, nguy cơ tràn dầu và ảnh hưởng về môi trường do sự cố tràn dầu là rất lớn, song đến nay tỉnh vẫn còn thiếu phương tiện và trang thiết bị chuyên dụng cho ứng phó tràn dầu. “Trang thiết bị liên quan đến hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, đặc biệt là các sự cố tràn dầu có quy mô trên 20 tấn thì khả năng huy động gặp nhiều khó khăn do nguồn lực về trang thiết bị ở các đơn vị chuyên trách còn rất hạn chế“ – bà Hạnh cho hay.

Nguồn lực còn hạn chế, trong khi các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể đã gây khó khăn cho công tác ứng phó sự cố tràn dầu tại Quảng Nam

Bên cạnh đó, các Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 63/2014/QĐ-TTg chưa quy định đối với tàu chở dầu có dung tích nhỏ hơn 150RT và tàu khác có dung tích nhỏ hơn 400RT, trong khi đó Luật giao thông thuỷ nội địa quy định các phương tiện thuỷ nội địa vận tải hàng hoá là xăng, dầu phải có phương án ứng phó sự cố tràn dầu và Bộ luật hàng hải Việt Nam quy định tàu đóng mới phải có kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu mà không quy định giới hạn dung tích của phương tiện. Việc thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể trong lĩnh vực ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, chưa quy định chi tiết về quy định hướng dẫn quy trình xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu các cấp cũng gây khó khăn cho công tác ứng phó tràn dầu tại địa phương.

Theo bà Hạnh, Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Nam cần sớm ban hành văn bản quy định rõ trách nhiệm các cơ quan trong việc tham vấn, hoạch định chiến lược, kế hoạch toàn diện trong việc xây dựng chính sách, đầu tư nguồn lực cho ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh. Ban hành văn bản quy định về phí thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho các cơ sở, dự án. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu chuyên dụng và các trang thiết bị khác cho cấp tỉnh để nâng cao năng lực phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường biển, nhất là sự cố tràn dầu.

Lan Anh