Gắn sản xuất thực phẩm sạch với bảo vệ môi trường
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 21:01, 25/08/2020
Với gần 600 hộ sản xuất kinh doanh đa dạng các loại sản phẩm như bún phở khô, tinh bột sắn, tinh bột dong giềng, tách vỏ đỗ xanh, sản xuất bánh kẹo… xã Minh Khai, huyện Hoài Đức đang triển khai áp dụng nhiều biện pháp sản xuất sạch hơn để đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng.
Dàn sấy bánh miến dong làm tăng tính an toàn cho sản phẩm |
Nghề chế biến nông sản thực phẩm truyền thống ở xã Minh Khai, huyện Hoài Đức giúp mang lại thu nhập tương đối ổn định cho nhiều người dân. Trong đó, miến dong và bún phở khô là những sản phẩm chính của làng nghề. Từ việc các công đoạn chế biến nông sản thực phẩm chủ yếu sử dụng sức người, thì nay việc sản xuất đã phần nhiều được cơ giới hóa. Chất lượng nông sản cũng ngày một nâng cao. Sự phát triển của làng nghề giúp mang tới thu nhập tương đối ổn định, nâng cao đời sống cho không chỉ người dân xã Minh Khai, mà còn cho hàng ngàn lao động một số xã thuộc huyện Hoài Đức và các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Vĩnh Phúc…
Trong xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường, việc sản xuất miến dong, bún phở khô theo phương thức truyền thống được dự báo sẽ đứng trước sự cạnh tranh ngày một lớn. Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết là cần xây dựng được những thương hiệu nông sản đặc trưng.
Chủ hộ kinh doanh Trung Kiên, sau khi được hỗ trợ đầu tư Dàn sấy bánh miến dong tự động theo chương trình Khuyến công thành phố năm 2019, cho biết, Dàn sấy bánh miến dong tự động làm tăng tính an toàn và độ bền cho sản phẩm so với máy cũ công ty đang sử dụng. Máy móc được ứng dụng trong công đoạn sấy, nâng cao năng suất và hạ giá thành sản phẩm. Trước đây cơ sở sử dụng lao động thủ công phơi. Đến nay với khối lượng sấy lớn, cơ sở đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm.
Miến sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm |
Đến nay, trên địa bàn xã Minh Khai, số hộ tham gia sản xuất chế biến nông sản thực phẩm lên tới hàng trăm. Quá trình phát triển làng nghề cũng đặt ra nhiều vấn đề về vệ sinh ATTP và môi trường.
Vì vậy, hướng đầu tư cải tiến máy móc, hiện đại hóa qui trình sản xuất là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Đây sẽ là thách thức lớn để nông sản địa phương chiếm lĩnh thị trường, có được lòng tin của người tiêu dùng.