Kinh tế biển là trụ cột để Hải Phòng phát triển bền vững

Biển đảo - Ngày đăng : 11:43, 03/11/2020

(TN&MT) - Nằm ở vị trí trọng điểm vùng duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng đã có hàng nghìn năm dựa vào thế biển để sinh tồn. Các Nghị quyết 32-NQ/TW, Nghị quyết 36-NQ/TW và Nghị quyết 45-NQ/TW, Trung ương luôn đặt kinh tế biển chính trụ cột. Đây là cơ sở để Hải Phòng xây dựng chiến lược phát triển kinh tế trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

Đổi mới công nghệ để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên

Không gian biển thành phố Hải Phòng là tổ hợp tài nguyên thiên nhiên, môi trường tự nhiên và vị thế của 4 vùng tự nhiên: Vùng biển đảo Cát Bà – Long Châu; vùng biển đảo Bạch Long Vỹ; vùng biển và cửa sông Bạch Đằng; vùng biển và cửa sông châu thổ Văn Úc – Thái Bình. Chính vì vậy, Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững, cũng như Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hải Phòng.

Cảng quốc tế Lạch Huyện Hải Phòng

Với những tiềm năng và lợi thế nêu trên, Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động số 72-CTr/TW về thực hiện Nghị quyết 36, đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước. Theo đó, Hải Phòng đã xác định cụ thể 6 ngành, lĩnh vực biển trọng tâm của thành phố: Du lịch biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và khoáng sản; nuôi trồng và khai thác thủy sản; công nghiệp ven biển; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Trước hết là phát triển hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển. Hải Phòng phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á; Phát triển công nghiệp biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, phát triển khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải thành trung tâm kinh tế hiện đại của cả nước, là cửa chính mở ra biển, đồng thời, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm đóng mới và sửa chữa tàu biển lớn nhất Việt Nam.

Về kinh tế thủy sản, Nghị quyết đề ra mục tiêu xây dựng Hải Phòng là trung tâm giống, khai thác, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của vùng duyên hải Bắc Bộ. Bên cạnh đó, phát triển du lịch biển trở thành ngành kinh tế chủ lực trong các ngành kinh tế, tạo ra các sản phẩm du lịch mới và dịch vụ cao cấp. Về khoa học – công nghệ và đào tạo, đảm bảo đào tạo đủ nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực biển Hải Phòng và cả nước.

Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ – công nghiệp kinh tế biển, tập trung mạnh mẽ vào các ngành dịch vụ logistics, dịch vụ hàng hải. Để đạt được các mục tiêu này, quyết tâm của thành phố là chuyển từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu, quá trình tăng trưởng dựa trên những ngành tham gia mạng sản xuất toàn cầu, tiêu hao ít hơn tài nguyên, năng lượng, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Tăng trưởng kinh tế dựa trên sự phát triển của khu kinh tế ven biển hiện đại, khu công nghiệp chuyên sâu.

Bên cạnh đó, thành phố đã chủ động các giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tăng cường quản lý kết hợp đổi mới công nghệ để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo đảm cân bằng sinh thái. Đặc biệt là bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực Cát Bà, Bạch Long Vỹ, vùng ven biển, các sông, giữ gìn các tài nguyên không tái tạo như tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước… hình thành một chủ trương lớn cho phát triển kinh tế biển bền vững. Thành phố cũng phân định rõ các quy hoạch phát triển các huyện đảo, xây dựng mô hình kinh tế biển của thành phố cũng như các chính sách và khung thực hiện chiến lược biển, mở ra lộ trình vươn ra biển lớn.

Mới chỉ dừng lại ở mức khai thác tiềm năng sẵn có

Có thể nói, trong 6 ngành kinh tế được chọn lọc ưu tiên phát triển đề cập tại Nghị quyết 36, ngoại trừ ngành khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển còn ở dạng tiềm năng, 5 ngành còn lại  đang được Hải Phòng triển khai tích cực: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Điều đó cho thấy, Hải Phòng đang tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển của cả nước.

Hải Phòng có khoảng 125 km chiều dài bờ biển, nằm trên diện tích thềm lục địa 100 nghìn km2, tạo một vùng mặt nước nội hải trên 4.000 km2. Chưa kể 24.000 ha mặt nước của những cửa sông, luồng lạch, tùng, áng, vùng, vịnh quanh các đảo, mang lại lợi thế ưu đãi phát triển đa ngành. Với những gì đang hiển hiện, có thể hình dung các mũi nhọn kinh tế của Hải Phòng hiện đều hướng ra biển.

Cũng liên quan đến phát triển dịch vụ biển, Hải Phòng tự hào là địa phương có huyện đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ nằm giữa vịnh Bắc Bộ. Bên cạnh giá trị đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh biển, đảo, Bạch Long Vỹ còn sở hữu hệ sinh vật biển phong phú. Thời gian qua, thành phố đã tập trung đầu tư khá lớn cho huyện đảo, nhằm cụ thể hóa mục tiêu để Bạch Long Vỹ trở thành một tụ điểm du lịch, đồng thời là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của vịnh Bắc Bộ. Tuy vậy, những mục tiêu đặt ra cho huyện nghèo Bạch Long Vỹ vẫn nằm trong giai đoạn lộ trình, các công trình chiến lược đảm bảo đời sống dân sinh chưa hoàn thiện làm cho đời sống cư dân bám đảo đang gặp muôn vàn khó khăn, dân số có xu hướng giảm. Có lẽ, Bạch Long Vỹ cần được chính phủ và thành phố quan tâm hơn nữa để xứng tầm với giá trị đặc biệt của Huyện này.

Mặc dù, trong những năm qua, Hải Phòng đã khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển nhưng mới chỉ dừng lại ở mức khai thác tiềm năng sẵn có. Điều này đã làm suy giảm không gian các hệ sinh thái tự nhiên như rừng ngập mặn, bãi triều, cỏ biển; suy giảm đa dạng sinh học do mất không gian sống và môi trường bị thay đổi; suy giảm nguồn lợi biển và các loài quý hiếm có giá trị kinh tế và bảo tồn cao; tài nguyên nước mặt suy thoái do chất lượng kém. Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, Hải Phòng cần có giải pháp cụ thể, có hiệu quả cho vấn đề này.

Phạm Duy