Nghiên cứu địa chất và khoáng sản biển: Đầu tư gấp nhiều lần so với nghiên cứu trên bờ
Biển đảo - Ngày đăng : 11:42, 03/11/2020
Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) luôn chú trọng đầu tư ứng dụng KH&CN trong công tác điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản, địa chất công trình, địa chất thủy văn, tai biến địa chất… thăm dò khoáng sản trên vùng biển, hải đảo Việt Nam.
Theo Liên đoàn trưởng Nguyễn Tiến Thành, để nghiên cứu địa chất và khoáng sản biển, không thể thiếu KH&CN. Chẳng hạn, cần sử dụng máy móc, thiết bị lấy mẫu ở dưới độ sâu rất lớn, từ 2.000 - 3.000 m để nghiên cứu sắt, magie, dầu khí,… Mỗi độ sâu sẽ có một phương pháp nghiên cứu KH&CN khác nhau, trong đó, ở gần bờ sẽ khó hơn ở ngoài sâu. Khi gần bờ, có thể không nghiên cứu được túi khí, dữ liệu thu thập bị mờ, trong khi ra xa bờ có khả năng rõ hơn nhưng thiết bị lại tốn kém. Ngoài ra, nếu có máy móc, thiết bị nhưng không có công nghệ nghiên cứu thì không thể nghiên cứu địa chất và khoáng sản biển.
Năm 2020, Liên đoàn đã nghiên cứu, cải tiến và chế tạo thành công Giàn khoan biển GKB.02 |
Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển đang thực hiện Đề án “Điều tra địa chất khoáng sản, tai biến địa chất, môi trường địa chất tỷ lệ 1:100.000 vùng biển 0 - 30 m nước từ Hải Phòng đến Nga Sơn, Thanh Hóa”. Ngoài ra, Liên đoàn cũng đang triển khai Dự án “Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ, phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven biển Việt Nam” (Dự án 47-ĐCCT). Để có thể thực hiện những dự án trên, Liên đoàn phải sử dụng các máy móc, thiết bị của nước ngoài và cải tiến thêm.
Cụ thể, đối với Dự án 2, năm 2019, Liên đoàn bắt đầu cải tiến Giàn khoan biển GKB.01. Đến năm 2020, Liên đoàn đã nghiên cứu, cải tiến và chế tạo thành công Giàn khoan biển GKB.02 - giàn to và vững chãi hơn GKB.01 để ra được độ sâu cao hơn trên biển. Ngoài ra, Liên đoàn cũng cải tiến một ống phóng để từ trên thuyền có thể lấy được mẫu dài hơn gấp đôi so với khoảng 2 - 3 m mẫu ban đầu. Đối với tất cả những công nghệ trên, Liên đoàn có thể vừa khai thác, vừa cải tiến để phục vụ nghiên cứu cũng như đảm bảo chất lượng các đề án, dự án.
Mặc dù ngày càng có nhiều ứng dụng KH&CN trong công tác tìm kiếm và thăm dò địa chất và khoáng sản biển, nhưng nghiên cứu KH&CN áp dụng vào nghiên cứu môi trường, xác định được nguồn phát thải của rác thải nhựa đại dương vẫn là điều trăn trở đối với Liên đoàn. Theo ông Trần Ngọc Diễn, Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển, ở nước ngoài đã có nhiều nghiên cứu, nhưng ở Việt Nam chưa có đơn vị nào đầu tư nghiên cứu cụ thể và chuyên gia cũng chưa hướng đến lĩnh vực này.
Những năm qua, Bộ TN&MT đã nhập khẩu khá nhiều thiết bị hiện đại phục vụ công tác điều tra địa chất và khoáng sản. Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển đang khai thác sử dụng khoảng 70 - 80% hiệu quả của các thiết bị này, trong đó có thiết bị lấy mẫu dưới đáy biển ở độ sâu vài trăm mét. Những thiết bị này nhập công nghệ từ nước ngoài như: Đan Mạch, Nhật, Mỹ và có thể được sử dung cho nhiều đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
“Để giải quyết vấn đề này, về nghiên cứu KH&CN, Liên đoàn có một bộ phận đang đầu tư nghiên cứu nguồn phát thải rác thải nhựa và mức độ phân tán của rác thải nhựa trong trầm tích. Cụ thể, nghiên cứu tập trung vào rác thải nhựa, hạt vi nhựa nằm trong trầm tích trôi ra sông. Nguồn phát thải của rác thải nhựa từ nhà máy nhiệt, các cơ sở công nghiệp, khu dân cư, thậm chí từ nước ngoài chảy vào Việt Nam. Tất cả rác thải nhựa đổ ra biển, chảy vào các cửa sông và lắng đọng trong lớp trầm tích trên mặt của biển. Trong khi đó, chưa có nghiên cứu nào tập trung vào rác nằm trong nước, nằm trong trầm tích, chưa có tính toán và đánh giá về sự phân tán và quy mô của rác thải nhựa trong trầm tích” - ông Trần Ngọc Diễn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, những năm qua, hoạt động KH&CN của Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển diễn ra sôi nổi, đặc biệt trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị, nâng cao phương pháp xử lý số liệu và tiếp cận những lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, ô nhiễm rác thải nhựa, ổn định, bền vững sức chống chịu của bờ biển… Tham khảo những cách làm trong lĩnh vực khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên ở các nước phát triển trên thế giới, Liên đoàn đã đề xuất với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam để Tổng cục đề xuất lên Bộ TN&MT, cũng như Bộ KH&CN rất nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước theo hướng ứng dụng KH&CN đưa tài nguyên vào phục vụ phát triển kinh tế biển.