Phát huy vai trò các bên trong triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW

Biển đảo - Ngày đăng : 10:43, 03/11/2020

(TN&MT) - Tại buổi làm việc với phái đoàn làm việc của Ban Kinh tế Trung ương mới đây, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) cho biết, các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được thông qua ngày 22/10/2018 tại Hội nghị Trung ương 8 khoá XII (gọi tắt là NQ36). Nhằm cụ thể hoá các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại NQ36, phân công trách nhiệm thực hiện cho các cơ quan liên quan, ngày 5/3/2020, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW (gọi tắt là NQ26).

Ngay sau khi NQ26 của Chính phủ được ban hành, Tổng cục Biển và Hải đảo đã chủ trì, tham mưu Bộ TN&MT ban hành Kế hoạch hành động số 646-KH/BCSĐTNMT ngày 23/4/2020 về thực hiện NQ26. Đồng thời, chủ động, tích cực đôn đốc, tham gia, hướng dẫn các đơn vị trong Bộ và các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện Nghị quyết. Theo đó, các cấp, các ngành và địa phương, đặc biệt là các địa phương có biển đã và đang tích cực xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương mình.

Xây dựng Đề án phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030

Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham mưu cho Bộ TN&MT xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 chương trình, đề án Chính phủ bao gồm: Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Ngoài ra, Tổng cục được Bộ giao nhiệm vụ chủ trì, tham mưu xây dựng 2 quy hoạch quan trọng là Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Các Bộ, ngành khác cũng đã triển khai một loạt các chương trình, đề án, nhiệm vụ cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành mình. Đề án thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (UBCĐQG) cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 6/2/2020. Tổng cục đang tham mưu cho Bộ TN&MT tiến hành các thủ tục chuẩn bị cho phiên họp đầu tiên của UBCĐQG do Thủ tướng chủ trì, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020. Cùng với đó, khẩn trương đưa Văn phòng thường trực UBCĐQG đi vào hoạt động để giúp thực hiện tốt công tác tham mưu, điều phối.

Ở cấp địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình hành động của tỉnh uỷ, thành uỷ về thực hiện NQ36. Một số địa phương đã xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện NQ26. Hầu hết các tỉnh, thành có biển đều đang thực hiện các nhiệm vụ, dự án liên quan đến du lịch và dịch vụ biển, nuôi trồng, khai thác thuỷ, hải sản; công nghiệp ven biển; kết cấu hạ tầng biển và ven biển. Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố đã tập thực hiện trung đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hải, năng lượng tái tạo, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác.

Về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết nổi lên một số vấn đề. Đó là khó khăn về nguồn lực triển khai, đặc biệt là cho công tác điều tra cơ bản, xây dựng thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường biển và hải đảo; khó khăn trong công tác điều phối, tổ chức bộ máy. Hầu như các ngành, địa phương đều mới chỉ triển khai thực hiện từ góc độ của riêng ngành mình chứ chưa nhìn ở góc độ quản lý tổng hợp, dẫn đến công tác từ thu thập số liệu, tổng hợp báo cáo đến phối hợp tổ chức triển khai đều gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, cần thay đổi cách nhìn nhận đánh giá, thay vì quản lý theo ngành, địa phương thì cần nhìn rộng ra từ góc độ quản lý tổng hợp, trong đó, yêu cầu sự phối hợp liên ngành, thống nhất từ Trung ương đến địa phương mà thể hiện quan trọng nhất là vai trò điều phối của UBCĐQG và ở địa phương.

Do đặc thù danh giới hành chính tỉnh, thành phố ít thể hiện trên biển, Tổng cục tham mưu, đề xuất việc hình thành các Cục vùng (cụ thể là dựa trên 5 phân vùng bảo vệ - bảo tồn, vùng đệm và vùng phát triển kinh tế - xã hội để phát triển bền vững kinh tế biển theo NQ36) nhằm tạo ra cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, tạo được sự liên kết ý nghĩa trên thực tế.

Tại buổi làm việc, các đại diện của Ban Kinh tế Trung ương đã nhận diện đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết do yêu cầu phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực; những khó khăn về nguồn lực cũng như về tổ chức bộ máy thực hiện. Đồng thời, sẵn sàng ủng hộ đối với những đề xuất, giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, tăng cường công tác điều phối để thực hiện tốt các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Ban Kinh tế Trung ương cũng sẵn sàng tham gia chỉ đạo, phối hợp cùng với Tổng cục trong việc tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn có liên quan, trước mắt là việc tổ chức phiên họp đầu tiên của UBCĐQG; Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; Diễn đàn kinh tế biển xanh; Sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW...

Hai bên đã nhất trí tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, chủ động phát huy vai trò các bên trong các hoạt động triển khai Nghị quyết, không những trong công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc theo quy định về tổ chức thực hiện mà còn trong việc thống nhất cơ chế, trực tiếp trao đổi thông tin, rà soát, đánh giá để trên cơ sở đó Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp báo cáo và có các kiến nghị kịp thời với Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm hỗ trợ đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết.

Kim Liên - Khánh Ly