Sẽ hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý chất thải nhựa

Môi trường - Ngày đăng : 10:41, 03/11/2020

(TN&MT) - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) sẽ thực hiện xây dựng, hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết Luật theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên.

Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, đặt ra trong Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa và Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/ 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Cần tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa (Ảnh minh họa)

Xác định 4 nhóm nhiệm vụ

Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai thống nhất, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 33/CT-TTg và Quyết định số 1746/QĐ-TTg; huy động sự tham gia một cách thiết thực, chủ động của các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ TN&MT trong các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa từ chính sách, pháp luật cho đến các hoạt động, việc làm cụ thể.

Bên cạnh đó, thực hiện tinh thần nêu gương của các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức, người lao động của Bộ TN&MT trong cuộc chiến chống chất thải nhựa, qua đó lan tỏa và làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Để hoàn thành các mục đích đề ra, Kế hoạch đã xác định rõ 4 nhóm nhiệm vụ, gồm: hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý chất thải nhựa; xây dựng, thực hiện và tổng kết các chiến lược, đề án, dự án và một số nhiệm vụ cụ thể; tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý chất thải nhựa; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử với các sản phẩm nhựa, chất thải nhựa.

Tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật

Coi việc hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý chất thải nhựa là nhiệm vụ trong tâm, Bộ TN&MT giao Tổng cục Môi trường thực hiện xây dựng, hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết Luật theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về: quản lý chất thải nhựa tái xuất hoặc trả lại phế liệu nhựa nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, nhãn sinh thái; rà soát, đề xuất hoàn thiện hoặc phối hợp xây dựng mới các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật môi trường cho các sản phẩm, hàng hóa và túi ni lông có nguồn gốc từ nhựa tái chế, các sản phẩm, hàng hóa chứa hạt vi nhựa, nano nhựa để phòng ngừa các tác động xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái; đề xuất quy định và lộ trình cấm sử dụng hạt vi nhựa trong sản xuất hóa mỹ phẩm, may mặc, phân bón....

Tổng cục cũng nghiên cứu, đề xuất chính sách và quy định pháp luật hạn chế sản xuất, tiêu dùng và có lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần; nghiên cứu, xây dựng chính sách, quy định pháp luật khuyến khích tổ chức, cá nhân phân loại chất thải nhựa tại nguồn tạo điều kiện thuận lợi để thu gom, tái chế.

Về tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử với các sản phẩm nhựa, chất thải nhựa, bên  cạnh việc thực hiện các hoạt động thường xuyên về giảm thiểu và hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; không sử dụng chai, cốc, ống hút nhựa.... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp; thực hiện thu gom, phân loại rác thải tại cơ quan, trụ sở làm việc để phục vụ hoạt động thu gom, tái chế chất thải nói chung và rác thải nhựa…, Tổng cục Môi trường thực hiện các nội dung về xây dựng và công bố tài liệu kỹ thuật hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại gia đình, công sở; nghiên cứu, đề xuất tiêu chí giảm thiểu, phân loại, thu gom chất thải nhựa trong đánh giá, xếp hạng kết quả hoạt động bảo vệ môi trường của các địa phương.

Về xây dựng, thực hiện và tổng kết các chiến lược, đề án, dự án và một số nhiệm vụ cụ thể, Tổng cục xây dựng, hoàn thiện Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam theo hướng tích hợp các đề án, chương trình, hành động về chất thải nhựa hiện có để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và tập trung nguồn lực; tổng kết việc thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 và đề xuất giải pháp hạn chế, tiến tới không sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt, tích hợp vào Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.

Sử dụng 100% túi ni lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, đơn vị cần tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được mục tiêu sử dụng 100% túi ni lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi ni lông khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt.

Định kỳ hàng năm, chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan tổ chức thống kê và định kỳ thống kê, phân loại nguyên liệu nhựa được sử dụng trong sản xuất, tiêu dùng và chất thải nhựa.

Tổ chức điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa; xây dựng cơ sở dữ liệu về chất thải nhựa thống nhất, phù hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; xây dựng cơ sở dữ liệu về đăng ký, khai báo, quản lý việc sản xuất, sử dụng sản phẩm phát sinh chất thải nhựa, túi ni lông./.

Tống Minh