Tập trung đưa ra cảnh báo sạt lở đất đến cấp xã
Thời sự - Ngày đăng : 18:09, 02/11/2020
Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cho biết, một trong những trọng tâm cần lưu ý đối với tác động của bão số 10 là gây lũ quét, sạt lở đất. Chúng ta đều biết, hiện nay dự báo, cảnh báo sạt lở đất vô cùng khó khăn, trong khi thiệt hại mà nó gây ra rất lớn. Do vậy, đây là nội dung quan trọng cần tập trung dự báo, cảnh báo trong thời gian tới.
Theo ông Thái, từ năm 2018, Tổng cục KTTV đã chính thức đưa thông tin cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất vào trong bản tin dự báo khí tượng thuỷ văn. Tuy nhiên, phải từng bước nâng lên, lắp đặt các trạm cảnh báo, dùng kết hợp bản đồ cảnh báo với các lớp thông tin để đưa thông tin đến bà con.
“Đặc biệt, việc điều tra, khảo sát rà soát an nguy những khu dân cư là hết sức cần thiết. Trong đó, tập trung rà soát trong những huyện an toàn có những xã không an toàn, trong những xã không an toàn có những làng không an toàn, trong các làng an toàn có các khu dân cư không an toàn”, ông Thái nói.
Ban Chỉ huy PCTT Bộ TN&MT họp trực tuyến về bão số 10 |
Trước mắt, với cơn bão số 10, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV yêu cầu Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia trao đổi cụ thể với các chuyên gia, Đài KTTV khu vực, Đài KTTV các tỉnh để đưa ra nhận xét, cập nhật thời gian, quỹ đạo, lượng mưa trên cơ sở các mô hình số trị.
Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia phối hợp với Viện KTTV và BĐKH, Viện Khoa học tài nguyên nước, chuyên gia Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản tiếp tục có phân tích, nhận định về lượng mưa, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Nếu chỉ ra các vùng lũ quét, sạt lở đất thì có phân loại cụ thể. Từ đó, có dự báo, cảnh báo nguy cơ sạt lở đến từng điểm, nơi cảnh báo cao nhất thì đề nghị sơ tán, nơi ít khả năng tai biến địa chất thì có thể chậm lại.
“Cần sớm có phương án để đưa ra cảnh báo sạt lở đất đến cấp xã, thậm chí cấp đối tượng đối với Quảng Nam, Quảng Ngãi”, ông Thái lưu ý.
Một trong những điều cần làm ngay, ông Thái cho rằng, cần khoanh vùng, trao đổi, phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội Chữ thập đỏ, nhắn tin ngay để Bí thư đoàn, xóm trong việc hướng dẫn đến các thôn, xóm có cảnh báo sớm cho bà con.
“Chúng ta làm tất cả những gì có thể để hạn chế tối đa thiệt hại do bão lũ”, ông Thái nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề sạt lở đất, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo TWPCTT về ứng phó với bão số 10, sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng, muốn cảnh báo sạt lở đất cần làm hết sức bài bản, vì những gì thấy được mới dễ phòng tránh.
Hiện nay, Bộ TN&MT đã hoàn thiện bản đồ nguy cơ sạt lở ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, miền núi Bắc Trung Bộ đến Quảng Nam, Quảng Ngãi cảnh báo nguy cơ trên diện rộng dựa trên phân tích địa hình, địa chất. Tuy nhiên, sạt lở đất còn dựa trên rất nhiều yếu tố kích hoạt khác nên để đưa ra cảnh báo ở các điểm nguy cơ vẫn còn hết sức khó khăn.
Đường đi và vị trí bão số 10, cập nhật tại bản tin lúc 17 giờ ngày 2/11 của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia |
Trước đó, tại cuộc họp, các chuyên gia đã tập trung thảo luận, phân tích về xu hướng di chuyển, cường độ, tác động… của bão số 10. Theo đó, thống nhất dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 16 giờ ngày 3/11, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 260km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 111,5 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Các chuyên gia nhận định, đến 16 giờ ngày 4/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách Quảng Nam khoảng 210km, cách Quảng Ngãi và Bình Định khoảng 170km, cách Phú Yên khoảng 190km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Và trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và tiếp tục suy yếu.