Vốn là thiên đường, sông Citarum (Indonesia) đang nghẹt thở vì hóa chất và rác thải

Thế giới - Ngày đăng : 18:08, 02/11/2020

(TN&MT) - Hàng triệu người sống dựa vào nguồn nước của sông Citarum ở Tây Java, Indonesia, nhưng hàng chục năm ô nhiễm đã khiến con sông này “nghẹt thở” vì hóa chất và rác.

Mùi hôi đặc quánh, rác rưởi thối rữa dưới nắng nóng hòa lẫn với mùi chua chát của chất thải hóa học là những gì đang tồn tại trên sông Citarum.

Ô nhiễm sông gây nhiều hệ lụy

Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á năm 2013, khoảng 9 triệu người sống tiếp xúc gần với sông, nơi mức độ vi khuẩn coliform trong phân cao hơn 5.000 lần giới hạn bắt buộc. Nồng độ chì cao hơn 1.000 lần so với tiêu chuẩn nước uống của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ và nồng độ các kim loại nặng khác như nhôm, sắt và mangan cao hơn mức trung bình quốc tế.

Rác thải dày đặc trên sông Citarum

Những người sống ven sông không có nơi nào để xử lý rác nên họ đốt hoặc vứt rác xuống sông. Iim Halimah, 47 tuổi, có 3 người con. Chồng bà, Jajang Suherman, đã chết vì bệnh lao cách đây 4 năm, ở tuổi 46, sau nhiều năm bị viêm da - một căn bệnh phổ biến của những người sống dọc trên sông Citarum. Trong khi đó, bà Halimah bị viêm phế quản mãn tính và bệnh tình ngày càng tồi tệ do ô nhiễm và suy dinh dưỡng. Nhiều năm nay, bác sĩ đã khuyến cáo bà không được sử dụng nước sông, nhưng bà không có cách nào khác.

Nhà máy nhả khói ở xa phía ngôi làng Sukamaju trên sông Citarum

Có hơn 2.000 công ty trong khu vực - hầu hết là các nhà máy dệt được xây dựng gần sông vì những công ty này cần một lượng lớn nước. Trong những năm gần đây, các công ty đã thải trực tiếp ra sông một lượng lớn chất thải hóa học.

Trầm tích sông chất thành đống bên bờ sông Citarum. Hàng ngàn người sống trên những vùng đất hoang này. Họ gồm những người trẻ thất nghiệp, những gia đình phải di dời vì lũ lụt thường xuyên, những người nghèo khổ thu gom rác thải sống bằng cách bán rác có thể tái chế.

Trong khu công nghiệp Majalya, một nhà máy dệt xả thẳng chất thải ra sông, trong khi trẻ em chơi đùa giữa đống rác độc hại

Nhiều người bị viêm da, mẩn ngứa do tiếp xúc với rác, các vấn đề về đường ruột. Trong khi đó, trẻ em chậm phát triển, suy thận, viêm phế quản mãn tính và một tỷ lệ lớn các trường hợp có khối u.

Ngư dân phải dựng hàng rào nổi và câu cá giữa đống rác

Những người dân sống gần sông lấy nước trực tiếp từ các tầng chứa nước sâu tới 150m và sau khi lọc một phần, nước này được cung cấp cho các làng lân cận. Tuy vậy, hầu hết người dân phải dựa vào nguồn nước bị ô nhiễm trực tiếp từ sông Citarum để có nước rửa và giặt giũ quần áo, thậm chí để uống và nấu ăn.

Không chỉ gia súc, cả con người cũng ăn các chất gây ô nhiễm qua thức ăn chủ yếu là gạo, được tưới bằng nước từ các nhà máy và làng mạc hoặc từ sông Citarum và các phụ lưu của nó.

Người dân sống dọc Citarum phải tắm rửa và nấu nướng bằng nước ô nhiễm. Nước giếng có thể có màu từ vàng đến đen, nông dân tưới ruộng bằng nước tạo bọt với chất tẩy rửa

Mặc dù nguồn nước rất ô nhiễm nhưng nhiều người vẫn câu cá ở đây. Sản phẩm đánh bắt bị nhiễm kim loại nặng và có chứa hạt vi nhựa, được bán và ăn nhiều ở các khu vực giáp sông cũng như trên các bàn ăn ở Jakarta, thủ đô của Indonesia. Số lượng loài cá ở sông Citarum đã giảm 60% kể từ năm 2008.

Cần sáng kiến nâng cao nhận thức môi trường

Theo các nhà hoạt động địa phương, mặc dù đã có lệnh cấm nhưng nhiều nhà máy vẫn tiếp tục xả thải qua các đường ống được giấu kín. Chính phủ Indonesia đã tiến hành chương trình làm sạch 7 năm cho sông Citarum, với mục tiêu làm cho nước sông có thể uống được vào năm 2025. Chương trình nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Phát triển Châu Á. Hồi năm 2009, ngân hàng này đã cam kết 500 triệu USD (tương đương 387 triệu bảng Anh) để tài trợ cho việc cải tạo dòng sông.

Một nhà hoạt động môi trường kiểm tra một con kênh trong khu công nghiệp để tìm kiếm chất thải ẩn trong sông

Hoạt động cải tạo bao gồm chống xói mòn đất và nông nghiệp bằng cách trồng lại rừng xung quanh các ngọn núi; hút bùn độc hại từ sông bằng máy xúc lớn; nghiêm cấm các nhà máy xả nước thải chưa qua xử lý và xây dựng chương trình giáo dục môi trường.

Mr Iwan, 34 tuổi, một người nhặt rác đang thu gom vật liệu có thể tái chế dọc trên sông Citarum

Các sáng kiến nâng cao nhận thức về môi trường gần đây của chính phủ và một số nhóm vận động cho thấy một làn gió mới có thể sẽ được thổi vào Indonesia. Tuy vậy, cho đến nay, hàng ngày người dân sống dọc trên sông Citarum vẫn đang bị đầu độc bởi chất độc dioxin và hydrocacbon trong không khí từ các nhà máy dệt sử dụng phương pháp đốt than và nước của con sông từng được coi là “thiên đường”.

Mai Đan