Bảo vệ môi trường biển Hòn Yến - hòn ngọc biển Phú Yên
Biển đảo - Ngày đăng : 15:19, 02/11/2020
Hòn Yến – hòn ngọc biển Phú Yên
Tôi có dịp về thăm đảo Hòn Yến trong sự kiện “Sạch biển Hòn Yến – Đẹp mãi Phú Yên” do Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới WWF phối hợp tổ chức vào ngày 24/10/2020.
Từ thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tôi đi phượt trên tuyến đường quốc lộ 1A khoảng hơn 80km là đến xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Xã An Hòa Hải là xã ven biển có chiều dài bờ biển 14km. Vùng biển và dọc bờ biển xã An Hòa Hải có nhiều bãi biển, gành, đầm, vịnh, vùng cửa sông và các đảo nhỏ như: Đầm Ô Loan, Hòn Lao Mái Nhà, Hòn Yến tạo nên những thắng cảnh đẹp và có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch và giao thông–vận tải biển. Trong đó Hòn Yến được ví như viên ngọc quý cần được đánh thức sau nhiều năm ngủ yên trong lòng biển Phú Yên.
Hòn Yến nằm ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An |
Đến tận nơi, nhìn tận mắt, Hòn Yến hiện lên trong tôi một vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc, bình dị như lời đồn về Phú Yên được thiên nhiên ban tặng cho một cảnh quan vô cùng tươi đẹp và bình yên. Người ta ví vẻ đẹp của Phú Yên giống như vẻ đẹp của một cô thôn nữ, vừa có nét chân chất, mộc mạc lại vừa mang vẻ đẹp thuần khiết và trong trẻo.
Đến đây, tôi gặp ông lão đã ngoài 70 tuổi, ông là người sinh ra và lớn lên tại thôn Nhơn Hội, cả cuộc đời ông gắn bó với bờ biển Hòn Yến xinh đẹp này. Theo lời ông lão kể chuyện thì đảo Hòn Yến nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 30km về phía Đông Bắc.
Ngọn núi có hình chóp, cao gần 100m được gọi là Hòn Yến. |
Ông lão tiếp lời, xưa kia đảo Hòn Yến là một hòn đảo nằm biệt lập với đất liền. Trải qua hàng triệu năm bị thủy triều và cát xâm lấn làm cho khoảng cách giữa đảo và đất liền trở nên ngắn lại. Bởi vậy, đảo Hòn Yến có một con đường nằm giữa biển nối liền hai hòn đảo là đảo Yến và đảo Sụn. Người ta vẫn thường gọi con đường này là bờ biển cạn.
Ông lão tiếp tục kể, sở dĩ có tên là Hòn Yến vì trước đây hòn đảo này từng là nơi sinh sống của rất nhiều chim yến. Địa điểm có nhiều chim yến sinh sống nhất trên đảo đó chính là Hòn Yến. Đây là một hòn đảo nhỏ có hình dáng chóp nhọn, độ cao khoảng gần 100m so với mực nước biển. Bao bọc xung quanh Hòn Yến là biển xanh nước biếc tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng quyến rũ và sinh động. Bờ biển Hòn Yến vẫn giữ nét đẹp nguyên sơ được điểm xuyết những bụi xương rồng đứng hiên ngang giữa vùng đất đầy nắng gió miền Trung.
Bờ biển Hòn Yến vẫn còn giữ nét nguyên sơ được điểm xuyết những bụi xương rồng |
Theo như ông lão chia sẻ thì hiện nay du khách đến tham quan Hòn Yến ngày một nhiều, nhất là các bạn trẻ. Vào những ngày thủy triều rút, lượng khách du lịch đến với đảo Hòn Yến tăng cao. Họ đến đây để được ngắm nhìn những rạn san hô rực rỡ sắc màu nằm trên cạn. Cảnh sắc ấy khiến cho bất kỳ du khách nào nhìn thấy đều bị mê đắm, hút hồn và muốn quay trở lại thêm lần nữa.
Từ cảm nhận ban đầu thật thú vị, tôi tìm hiểu sâu hơn về giá trị biển cả của hòn đảo, mới biết Hòn Yến là quần thể đa dạng sinh học có nhiều rạn san hô đẹp, nhiều sắc màu, có tiềm năng phát triển du lịch biển, mang ý nghĩa giá trị về mặt tự nhiên, văn hóa, lịch sử. Năm 2018, quần thể Hòn Yến được cấp bằng công nhận Di tích cấp quốc gia danh lam thắng cảnh. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để Hòn Yến phát triển du lịch–dịch vụ.
“Sạch biển Hòn Yến – Đẹp mãi Phú Yên”
Tuy nhiên, có một điều khiến tôi trăn trở là vấn đề môi trường ở đây còn nhiều hạn chế, bởi tình trạng bỏ rác bừa bãi đã và đang diễn ra khiến danh lam thắng cảnh Hòn Yến chưa đẹp trong mắt bạn bè, du khách làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và cảnh đẹp Hòn Yến. Tôi nghĩ, để thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển kinh tế của huyện Tuy An nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung, Hòn Yến cần phải thực hiện tốt vấn đề bảo vệ môi trường biển.
Đây cũng là nỗi trăn trở của các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên, làm sao để xóa bỏ 5 túi rác tự phát đang gây ô nhiễm môi trường tại khu vực Hòn Yến tồn tại nhiều năm qua.
Hoạt động bảo vệ môi trường biển Hòn Yến |
Xuất phát từ mục tiêu đó, chuỗi hoạt động xóa điểm nóng ô nhiễm môi trường tại Hòn Yến diễn ra từ đầu tháng 10/2020 đến nay đã mang lại kết quả thiết thực. 5 túi rác tự phát bị xóa bỏ và thay thế bằng trồng cây xanh tại khu vực Hòn Yến. Đây là công sức và sự vào cuộc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, chính quyền địa phương và người dân cùng sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới WWF. Kết quả đó khẳng định, nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ cảnh quan môi trường biển Hòn Yến không chỉ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương mà còn là trách nhiệm, quyết tâm hành động của mỗi người dân.
Tôi còn nhớ trong ngày tổ chức sự kiện “Sạch biển Hòn Yến – Đẹp mãi Phú Yên” bà Nguyễn Thị Diệu Thúy – Đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới WWF đã từng chia sẻ: Chúng tôi không chỉ quan tâm đến môi trường sống trên bờ của người dân mà còn quan tâm đến hệ sinh thái ở dưới biển. Bởi hình ảnh 5 túi rác tại Hòn Yến, nếu bao phủ rạn san hô sẽ làm chết những rạn san hô, vì san hô cần có quang hợp và ánh sáng. Nếu rạn san hô chết thì tất cả những loài sinh vật biển cá, tôm từ đấy mà mất đi và môi trường đa dạng sinh học cũng bị mất đi. Đấy là vấn đề cốt lõi mà Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới WWF quan tâm.
Bà Thúy còn nhấn mạnh thêm: Tôi nghĩ rằng để giữ gìn thành quả 5 túi rác đã bị xóa bỏ thay thế bằng 5 khu vực trồng cây xanh, tạo cảnh quan đẹp tại Hòn Yến như hiện nay, không chỉ có lợi cho bà con sinh sống ngay tại khu vực Hòn Yến mà còn tạo đà phát triển du lịch, ghi lại hình ảnh đẹp của Phú Yên trong mắt tất cả các du khách đến thăm Phú Yên trong thời gian tới.
Hòn Yến mang vẻ đẹp non xanh, nước biếc |
Tôi xin kết bài viết bằng lời chia sẻ của bà Lê Đào An Xuân – Phó Giám đốc Sở TN&MT Phú Yên: Qua thông điệp “Sạch biển Hòn Yến–Đẹp mãi Phú Yên” bằng những hành động cụ thể, hiệu quả, chúng tôi muốn xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp bền vững cho chính mỗi người dân huyện Tuy An, giúp Tuy An ngày một phát triển đúng với tiềm năng sẵn có về văn hóa, kinh tế, du lịch; đồng thời nâng cao giá trị du lịch, khoa học của Hòn Yến trong mắt bạn bè khu vực và trên thế giới. Từ đó, tiến đến xây dựng một Phú Yên xanh phát triển nhanh và bền vững.